Ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành nông nghiệp Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu rực rỡ.
Năm 2015 cũng là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ có quyết định chọn ngày 14/11 hằng năm là "Ngày truyền thống ngành NN&PTNT Việt Nam" nhằm khẳng định vai trò của sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Sản xuất nông nghiệp của nước ta từ một nền sản xuất lạc hậu, năng suất, hiệu quả thấp, tự cung tự cấp đã chuyển mạnh sang một nền sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và có nhiều mặt hàng chiếm vị thế cao trên thị trường quốc tế.
Nhân dịp này, Bộ NN&PTNT công bố 10 thành tựu nổi bật của ngành trong giai đoạn 2010-2015 và Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã là 1 trong 10 thành tựu nổi bật đó.
Theo đó, chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách có hiệu quả rõ rệt nhất đối với việc bảo vệ và phát triển rừng hiện nay. Khi chính sách đi vào cuộc sống đã nâng diện tích rừng được bảo vệ từ 2,8-3,37 triệu ha. Đồng thời, tạo ra nguồn tài chính bền vững, góp phần ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng miền núi.
Đến nay, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc gần 5 năm. Thực tế ghi nhận chính sách này đã có những kết quả, tác động tích cực như: Thành công bước đầu trong việc xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), hàng năm đã huy động được nguồn lực hàng nghìn tỉ đồng từ xã hội để đầu tư thêm cho BV&PTR; Hoạt động cung ứng và chi trả DVMTR phù hợp với xu thế mới ở Việt Nam và xu thế chung của thế giới trong việc bảo vệ môi trường; Góp phần quan trọng trong việc quản lý, khai thác có hiệu quả, bền vững tài nguyên đất đai trong lâm nghiệp phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước; Góp phần cải thiện điều kiện sống, giải quyết việc làm cho hàng triệu người sống trên địa bàn rừng núi, góp phần thực hiện thành công chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Người tham gia trồng và bảo vệ rừng được đánh giá đúng mức, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Chi trả tiền DVMTR cho chủ rừng huyện Tủa Chùa, Điện Biên - Ảnh: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên
Được trở thành một trong 10 thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp (2010-2015) là một niềm tự hào, vinh dự to lớn đối với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt N
am nói riêng, hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh và toàn ngành Lâm nghiệp nói chung.
Đây sẽ là nguồn động viên, khích lệ, tạo động lực để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trên cả nước tích cực đồng hành với các bên liên quan nỗ lực tìm hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong những năm qua, góp phần thực thi chính sách ngày càng hiệu quả hơn nữa.
Xem chi tiết tại đây: www.omard.gov.vn/site//vi-VN/50/15912/10090/10-thanh-tuu-noi-bat-cua-nganh-nong-nghiep-giai-doan-2010-2015.aspx