Quy hoạch, kế hoạch là một trong những nhiệm vụ đầu tiên, làm căn cứ triển khai các nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp, định hướng quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của Ngành, làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả quản lý Ngành. Ở nước ta, hệ thống quy hoạch trong lĩnh vực lâm nghiệp thời gian qua đã được quan tâm, thể hiện cao nhất ở Luật bảo vệ và Phát triển rừng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Hệ thống quy hoạch, kế hoạch được xây dựng ở hầu hết các địa phương. 59/60 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có rừng đã xây dựng, phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020; 21 tỉnh, thành phố xây dựng quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng; 85 khu rừng đặc dụng đã xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, triển khai quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng lưu vực sông Cầu, ven biển, vùng Tây nguyên,… quy hoạch chế biến gỗ, quy hoạch phát triển cây mắc ca, quy hoạch trồng rừng gỗ lớn. Các địa phương và một số bộ, ngành xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hàng năm. Nhờ đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lâm nghiệp được nâng cao.
Tuy nhiên, tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng nhận định, quy hoạch còn là khâu yếu của ngành lâm nghiệp. Một số tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ như: thiếu sự liên kết giữa các vùng trong cả nước và giữa các tỉnh trong vùng; trật tự quy hoạch chưa bảo đảm, quy hoạch lâm nghiệp toàn quốc, vùng chưa được lập nên không có cơ sở cho các quy hoạch nhỏ hơn; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội chậm nên thiếu căn cứ cho xây dưng quy hoạch lâm nghiệp; quan hệ giữa quy hoạch lâm nghiệp với các quy hoạch khác còn mâu thuẫn, chồng chéo từ khâu khảo sát thông tin, phân tích, dự báo đến các giải pháp thực hiện,… làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch. Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch lâm nghiệp còn thấp, kém khả thi, chưa gắn với nguồn lực thực hiện. Việc phân định nội dung các loại quy hoạch, cấp độ quy hoạch chưa rõ ràng, dẫn đến sự trùng lắp,… Những bất cập trên đã góp phần dẫn tới tình trạng chuyển đổi mục địch sử sụng rừng một cách ồ ạt, đặc biệt là sang làm thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng hạ tầng nông thôn, tái định cư. Tình trạng xâm lấn, phá rừng trái pháp luật để trồng những loại cây nông nghiệp có giá trị cao diễn ra phổ biến. Quy hoạch không gắn với vùng nguyên liệu, quản lý thiếu kiểm tra, giám sát, đặc biệt đối với xưởng chế biến gỗ gần rừng đã làm gia tăng tình trạng phá rừng và mua bán gỗ bất hợp pháp. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện quy hoạch chậm cũng dẫn đến nhiều hệ quả.
Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập đó, ông Phạm Hồng Lượng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính của Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng cần bảo đảm những nội dung, yêu cầu và nguyên tắc trong việc lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, trong đó đầu tiên là việc bảo đảm phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đưa ra ý kiến về sự cần thiết xây dựng tiêu chí rõ ràng trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) và chuẩn hóa, nâng cao năng lực cho đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo đảm sự khách quan.