Hội nghị Bộ trưởng lâm nghiệp APEC lần này có chủ đề "Xây dựng các nền kinh tế hòa nhập, Xây dựng một thế giới tốt hơn - Building Inclusive Economies, Building a Better World'' và nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý rừng bền vững trong dài hạn để đạt được sự phát triển kinh tế xã hội bền vững trong khu vực. Đồng thời tại hội nghị các Bộ trưởng và trưởng đoàn đã tiến hành rà soát lại tiến trình thực hiện các tuyên bố của các nhà lãnh đạo khối APEC tại hội nghị thượng đỉnh Syney 2007, Yokohama 2010, Honolulu 2011 và Cusco 2013 về rừng và lâm nghiệp. Hội nghị cũng đã xác định và xem xét các thách thức mới trong việc cải thiện hỗ trợ quản lý rừng bền vững và bảo tồn, phục hồi rừng để giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu; các chính sách về phát triển nông nghiệp quy mô lớn và thực hành quản lý tốt; các biện pháp thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp trong khu vực các nền kinh tế APEC và tìm biện pháp tăng cường hợp tác với các tổ chức dân sự xã hội và khu vực tư nhân để thúc đẩy quản lý rừng bền vững và tăng trưởng xanh trong khối APEC.
Tại hội nghị Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án về Bảo vệ và Phát triển rừng, kinh nghiệm về thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng và khẳng định những thành công bước đầu trong việc chuẩn bị sẵn sàng thực hiện chương trình REDD+ của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam còn đề nghị các nền kinh tế APEC kêu gọi các nước phát triển phải có những cam kết bảo đảm chi trả cho các nước khi thực hiện thành công chương trình REDD+; Việt Nam cũng tiếp tục đề nghị các nền kinh tế thuộc nhóm tiêu thụ gỗ nên có chính sách phù hợp hơn về thương mại gỗ để thúc đẩy phát triển rừng, chế biến và thương mại gỗ và sản phẩm gỗ nhằm tăng việc làm, góp phần tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường (kinh nghiệm và quan điểm của Việt Nam đã được đánh giá cao tại Hội nghị).
Kết thúc Hội nghị các Bộ trưởng, trưởng đoàn cấp cao phụ trách lâm nghiệp của các nước thành viên nền kinh tế APEC tham gia hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố Eda với 15 nội dung trong đó tập trung vào một số mục tiêu chính như sau: (i) tăng độ che phủ rừng trong vùng APEC tối thiểu 20 triệu hecta rừng vào năm 2020; (ii) tăng cường chia sẽ thông tin và kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý rừng bền vững; (iii) tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế APEC để thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp; (iv) tăng cường các hoạt động nghiên cứu nhằm tối đa hóa giá trị và lợi ích do rừng mang lại;và (v) tăng cường hợp tác công tư trong quản lý rừng bền vững bằng một cơ chế chính sách phù hợp.