• Ảnh 18
  • Ảnh 15
  • Học viên nhận chứng chỉ khóa tập huấn kỹ năng viết đề xuất dự án, giám sát, đánh giá
  • Ảnh 9
  • Chi trả tiền DVMTR tại Gia Lai
  • Ảnh 12
  • Hội thảo tham vấn ý kiến về Đề án thành lập Quỹ REDD+ Việt Nam
  • Ảnh 5
  • Ảnh 23
  • Ảnh 17
  • Ảnh 11
  • Ảnh 6
  • Cắm biển tuyên truyền chi trả DVMTR
  • Ảnh 19
  • Biển tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR tại Lâm Đồng
  • Chi trả tiền DVMTR tại Điện Biên
  • Ảnh 3
  • Chi trả tiền DVMTR tại Điện Biên
  • Ảnh 21
  • Lễ ký kết hợp đồng ủy thác DVMTR với Công ty thủy điện Sơn La
  • Ảnh 10
  • Ảnh 20
  • Bức tranh giải nhất cuộc thi vẽ tranh ở Yên Bái
  • Hội nghị triển khai kế hoạch thực thi chính sách chi trả DVMTR năm 2012
  • Gắn biển thông tin về rừng được bảo vệ bởi chính sách chi trả DVMTR
  • Hội nghị chi trả DVMTR khu vực Tây nguyên năm 2013
  • Bức tranh giải nhất Cuộc thi vẽ tranh ở Lào Cai
  • Kiểm tra diện tích rừng chi trả DVMTR tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, Đắk Nông
  • Tập huấn kỹ năng viết đề xuất dự án, giám sát, đánh giá
  • Chi trả tiền DVMTR tại Điện Biên
  • Xe máy dùng để đi tuần tra rừng
  • Xe tuyên truyền lưu động tại Đắk Nông
  • Ảnh 7
  • Ảnh 2
  • Hội thảo chính sách chi trả DVMTR tại Đắk Nông
  • Ảnh 16
  • Kiểm tra lưu vực chi trả DVMTR tại Hòa Bình
  • Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)
  • Ảnh 11
  • Ảnh 8
  • Ảnh 14
  • Khóa tập huấn kỹ năng truyền thông
  • Ảnh 1
  • Ảnh 22
  • Tuyên truyền viên tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR cho dân bản
  • Ảnh 13
  • Tập huấn quản lý tài chính, kế toán Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng
  • Hương ước của thôn, bản về công tác bảo vệ, tuần tra rừng và giấy khen thành tích cá nhân, tập thể
  • Chi trả tiền DVMTR tại huyện Mường Tè, Lai Châu
  • Hoạt động VNFF

Đối tác

Tin Ngành Lâm nghiệp

Đi giữa đại ngàn

24/03/2023
… Đáp lại những thắc mắc của tôi, anh kiểm lâm Hải chỉ nhoẻn miệng cười, vừa chậm rãi thêm củi vào bếp, vừa bẽn lẽn trả lời “Mình yêu nghề, yêu rừng thôi em…” Câu trả lời nhẹ như một cơn gió mát đại ngàn khiến những mệt nhọc trong tôi tan biến!

Tôi viết những dòng này khi vừa trở về sau chuyến đi rừng 2 ngày cùng các anh kiểm lâm. Đó là một trải nghiệm, mà có lẽ cả cuộc đời tôi sẽ khó quên. Không chỉ bởi nó là chuyến đi rừng đầu tiên của tôi, mà còn bởi, khi đi giữa đại ngàn, tôi thấu hiểu hơn được nhiều điều.

Tôi bắt đầu chuyến công tác này cuối tháng 6/2022. Chuyến đi này là một phần trong kế hoạch mà tôi đề xuất và tham gia, đó là hành trình ghi lại những cảnh đẹp, sự phong phú trong đa dạng sinh học, tiềm năng phát triển những giá trị đa chức năng của rừng, trong đó có phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, giáo dục môi trường tại các Vườn quốc gia.

Tôi đến Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà vào buổi chiều. Mặc dù đã đến Lâm Đồng nhiều lần, nhưng tôi chưa từng được đến Vườn Quốc gia Biodoup Núi Bà, dù nơi đây chỉ cách thành phố Đà Lạt chừng 50km. Thời điểm này đang là mùa mưa.  Cơn mưa chiều nặng hạt không làm giảm đi vẻ đẹp của những vạt đồi bát ngát thông xanh, mà còn khiến cho những dòng suối dưới chân đồi tung lên trắng xoá một vẻ hoang sơ, hùng vĩ.

Trong thời gian làm việc tại đây, tôi và đoàn công tác được các anh tại Vườn Quốc gia tư vấn nhiều phương án, nhưng chúng tôi đã đồng lòng lựa chọn một cung đường dài và khó khăn, đó là tuyến đường cùng các anh kiểm lâm đi tuần rừng. Điểm đến một bản làng người đồng bào thiểu số người K’Ho Cil dưới thung lũng, cách trạm kiểm lâm gần nhất 3,5 – 4 giờ đi bộ xuyên rừng. Mặc dù đã được cảnh báo trước về những khó khăn trên đường đi, là núi cao, là dốc thẳng, là trơn trượt, là điều kiện ăn ở thiếu thốn, là vắt và ruồi vàng đốt, nhưng bấy nhiêu rào cản không khiến chung tôi nản lòng.

Tôi – như mọi chuyến công tác trước đó, cũng chuẩn bị một số đồ để đi rừng khi cần như mũ, quần áo dài, giày, tất,… Những lần trước đó tôi cũng vào rừng, nhưng thường là những khu rừng trồng, hoặc những khu vực rừng mà xe máy hoặc ô tô có thể đến gần, và chúng tôi chỉ phải đi bộ ít phút. Nhưng lần này lại hoàn toàn khác, trước mắt tôi là một chuyến đi bộ dài 10km xuyên rừng với nhiều khó khăn, không có sóng điện thoại mà tôi chỉ có hành trang duy nhất đó là sự quyết tâm.


Đoàn xuất phát từ Trạm kiểm lâm Đưng Ira Giêng, bắt đầu từ đây, đường vào Bản chỉ có thể đi bộ, và không còn phương tiện nào khác

Đoàn chúng tôi bắt đầu xuất phát từ trạm kiểm lâm Đưng Ira Giêng, đoàn có 08 người, gồm 05 anh thuộc Vườn Quốc gia, 02 anh trong đoàn làm phim và tôi – đứa con gái duy nhất. Đoàn mang theo gạo, thực phẩm, nước sạch, đồ dùng y tế cơ bản, túi ngủ, áo mưa,… chia nhau vào các ba lô và lên đường.

Lối vào rừng nên thơ, có những hàng thông cao vút, dưới chân là những bụi nhỏ hoa và cỏ, gió mát vi vu. Nhưng chỉ sau đó ít phút, anh kiểm lâm tên Hải dẫn đoàn rẽ vào một lối mòn, đường vừa nhỏ vừa dốc. Tôi bắt đầu hoang mang. “Ôi anh ơi, thế mình không đi đường to kia ạ”? Anh Hải chỉ cười, chân vẫn rảo những bước nhỏ và đều. Mới đi được vài trăm mét, tôi đã mệt lắm. Chân tôi mỏi, tôi thở bằng cả mũi và miệng mà vẫn không đủ không khí. Phổi tôi như hẹp lại và tim thì đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, mắt hoa đi. Một ý nghĩ lớn dần khiến chân tôi chậm lại. “Mình đã quá liều rồi chăng? Mới bắt đầu mà đã thở không nổi như này, thì làm thế nào đi tiếp được 10km nữa đây? Hay là dừng lại ở đây, chưa cách xa Trạm Kiểm lâm và vẫn có sóng điện thoại, tôi có thể quay lại mà không gây cản trở đến hành trình của Đoàn. Còn đi tiếp, tôi rất có thể sẽ trở thành gánh nặng cho các anh”… Rất nhiều băn khoăn và câu hỏi trong đầu. Dẫu vậy nhưng trước sức hút, sự mời gọi từ cánh rừng, chân tôi vẫn bước tiếp trong không khí khởi hành hào hứng và nhịp bài hát “Chúng tôi là chiến sỹ kiểm lâm…” mà các anh vừa bắt nhịp động viên. Để rồi, chặng đường sau đó mở ra trước mắt tôi vô vàn những điều kỳ thú…

Nói về điểm đích, trước chuyến đi, chúng tôi được giới thiệu đó là một bản làng cổ của người dân tộc K’Ho Cil  – một trong 5 nhánh của người đồng bào K’Ho nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, thuộc địa bàn Huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Bản có tên Đưng Ira Giêng, trong tiếng K’Ho có nghĩa là Bản con gà trắng. Bản chỉ vẻn vẹn vài chục hộ gia đình, cuộc sống gắn với rừng cây, hoà mình với thiên nhiên ở độ cao 900m trên mặt nước biển. Chỉ cách cuộc sống hiện đại chừng 10km, nhưng họ gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Không điện lưới, không sóng điện thoại, không internet, không những thiết bị mà chúng ta cho là thiết yếu, nơi đây chỉ có rừng cây, con suối, cánh đồng, tự cung tự cấp là chính… và còn giữ nguyên vẹn được những nét sinh hoạt và tập tục từ xa xưa truyền lại.

Hành trình của chúng tôi có thể chia làm hai chặng, chặng lên dốc và chặng xuống dốc. Có những đoạn chỉ toàn là dốc đất cao, nước xói nhành nhiều rãnh ở giữa tạo nên những thành vách trơn trượt, mà chỉ bước chân sơ xảy, ai trong chúng tôi cũng đều có thể ngã lăn. Lại có những đoạn dốc lổn nhổn những đá và sỏi, bước vào nghe lạo xạo và trượt dưới bàn chân. Lúc đầu tôi còn hăng hái dẫn đoàn cùng anh kiểm lâm Hải, nhưng càng lên dốc, tôi càng chậm lại, chân mỏi rã rời, không còn có thể nhấc lên khỏi mặt đất. Nhưng rồi, cùng với sự động viên của các anh đồng hành, tôi cũng tự nhủ mình: “Cố gắng lên! một bước nữa, một bước nữa,…”. Suốt cả chặng đi và về, tôi hầu như không dám nhìn lên phía trước, một phần vì đường khó đi cần sự tập trung, một phần nữa vì tôi sợ nhuệ khí của tôi sẽ bay hết khi đối diện với những con dốc dựng dài, dường như không có hồi kết ở ngay trước mắt. Nếu như khi đi lên, từng thớ cơ trong tôi phải gồng hết sức thì những dốc xuống dài khiến chân tôi chùn và đầu gối đau nhói. Chặng nào cũng đầy gian nan. Không chỉ có vậy, chúng tôi cũng phải đối diện với cây già gãy đổ sau mưa chắn ngang lối đi, với vắt và ruồi vàng- những sinh vật nhỏ bé nhưng luôn là nỗi ám ảnh của rừng già… Đường dài và nắng khiến chúng tôi hao sức, dù rất mệt nhưng không dám nghỉ lâu, động viên nhau đi tiếp để thoát đám mây đen đang tới và tiếng sấm ì ùng ngay trên đầu.



Lối mòn trong rừng với những rãnh bị nước xoáy sâu, minh chứng cho những cơn mưa rừng dữ dội

Nhưng rừng không chỉ có những khó khăn. Đường đi càng khó khăn bao nhiêu, thì cảnh vật mở ra trước mắt càng tươi đẹp và kỳ thú bấy nhiêu. Giữa những chặng nghỉ chân, hay những quãng đường bằng phẳng, tôi có thời gian để ngắm nhìn kỹ hơn và cảm nhận về khung cảnh xung quanh bằng mọi giác quan. Hít thở bằng hơi thở thơm mát của rừng già, ngắm nhìn rừng bằng ánh mắt của đứa con nằm gọn trong lòng mẹ, lắng nghe tiếng gió rì rào, tiếng muông thú xào xạc, líu lo,… Tôi như đứa trẻ trở về với tuổi thơ mình trong tình yêu bao la của nguồn cội. Có khi tôi dừng chân bên phiến đá, nằm ngả mình vào rong rêu bên một gốc cây già, cảm nhận cái mát lạnh thấm qua da thịt, nhìn cành lá bên đường rung rinh tặng cơn gió mát lành, tôi thực sự nghĩ rằng rừng già đang trò chuyện, đang động viên tôi và ban cho tôi những điều quý giá.

Chúng tôi đã đi qua những rừng thông xanh ngút ngàn gió gieo với những gốc thông to cả vòng tay người ôm, uy nghi giữa trời như những vị anh hùng; phía dưới là chen chúc những bụi dương xỉ có phần thân to và già, phần lá xoè rộng, lá non đỏ hồng như những đoá hoa. Dường như chúng đã ở đây từ muôn triệu năm trước. Chúng tôi đã đi qua những khu rừng lá rộng thường xanh rậm rạp, nhiều tầng tán và ẩm ướt, với những con suối mát lạnh chảy qua, nơi ánh mặt trời khó mà lọt qua kẽ lá. Thi thoảng trên đường, lại bắt gặp những bông xinh đẹp, bé nhỏ li ti, không ai biết chúng rơi xuống từ khung trời nào. Chúng tôi cũng đã đi qua những rừng khộp với loài cây họ dầu đặc trưng. Mỗi “kỳ hoa, dị thảo” gặp được trên đường đều khiến chúng tôi ngạc nhiên về sự kỳ diệu của thiên nhiên. Mỗi một chặng đường lại có một cảnh sắc riêng nhưng đều vô cùng mê hoặc, mà không ống kính nào có thể ghi nhận hết được. Có tận mắt đến, mới thấy rừng của chúng ta phong phú đa dạng, mới thấy đất nước của chúng ta còn những kho báu xanh tươi. Và có được trải nghiệm mới thấy giá trị của một cơn gió mát, một ngụm nước lành trong veo rỉ ra từ kẽ đá, của một bóng mát giữa trời nắng trưa… Tôi còn nhớ mãi về sự bao la, hùng vĩ, tráng lệ mở ra trước mắt khi đến điểm dừng chân trên đỉnh núi. Đó là một nơi bằng phẳng, trước mắt là bạt ngàn rừng xanh và mây trắng, xung quanh tiếng chim đâu đó líu lo. Anh kiểm lâm Hải chỉ cho chúng tôi thấy ở nơi xa kia là bản làng, nơi kia là dãy núi Chư Yang Sin xanh thẳm,…

Sau ít thời gian nghỉ ngơi và ăn trưa bằng những thức ăn sẵn mang theo, chúng tôi dọn dẹp thật sạch và lại tiếp tục chặng đường dài trước mắt. Cuối chiều chúng tôi đến bản, vừa kịp thoát cơn mưa treo trên đầu. Đường xuống bản đẹp như một bức tranh. Ra khỏi rừng, qua một con suối nông, chúng tôi rẽ vào một lối nhỏ giữa những khu vườn tốt tươi, trồng cà phê, cà ri, dứa… Bên trái là rừng thông, bên phải là ruộng vườn nương rẫy, lối nhỏ phủ đầy những cỏ, bát ngát một màu xanh. Chiều xuống dần, hắt những vệt nắng xiên qua ngọn đồi, vảng vất khói lam chiều và mùi thơm cơm mới.



Đường vào Bản Đưng Ira Giêng  xanh ngát, bóng anh kiểm lâm Hải nhỏ bé hoà vào không gian


Chỗ nghỉ tối nay là nhà của một người dân, chủ nhà là anh Su Ki. Su Ki là con trai của già làng, nhưng không may cho chúng tôi là già làng hôm ấy đi vắng. Nhà Su Ki là một ngôi nhà sàn nhỏ nằm trên sườn đồi, lối lên là cây cầu thang chênh vênh, ghép từ những mảnh gỗ vụn. Su Ki nuôi nhiều chó, nhiều gà, trồng lúa, trồng ngô, trồng cà phê, bắt cá dưới suối. Cuộc sống hầu như tự cung tự cấp. Những vật dụng trong nhà, trong bếp đều được tạo ra từ những nguyên liệu sẵn có. Gia đình Su Ki cũng như nhiều hộ ở đây, nhận khoán bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà. Chàng trai rắn rỏi, chất phác đón chúng tôi bằng sự chân thành, thật thà từ trong bản chất của một người con của núi rừng.

Trong lúc những thành viên khác trong đoàn ai vào việc nấy, còn anh kiểm lâm Hải đã trở về sau khi đi thăm từng nhà trong bản, tôi và anh trông nồi cháo đang sôi trên bếp. Bây giờ tôi mới có thời gian nhìn kỹ hơn “người dẫn đường” của chúng tôi ngày hôm nay. Anh là một người nhỏ nhắn, nước da sáng có vẻ thư sinh cùng gương mặt hiền nhưng cương nghị. Anh Hải chia sẻ mỗi tháng các anh đi tuần tra qua tuyến này một lần, chặng đường hôm nay chỉ là một phần trong tuyến đường và các anh vẫn thường đi. Mỗi chuyến đi như vậy thường gồm một nhóm gần chục người, có kiểm lâm và các thành viên tổ bảo vệ rừng. Chuyến đi sẽ kéo dài cả tuần trong rừng và đến những bản xa hơn ở sâu trong vùng lõi Vườn quốc gia. Các hộ dân ở đây đều được Vườn Quốc gia giao khoán bảo vệ rừng và họ giữ rừng rất tốt…


Chiều xuống bình yên trên bản “Con gà trắng”

Tôi duỗi đôi chân đã quá mỏi sau hành trình dài và kiểm tra những vết vắt, ruồi vàng đốt, nơi đang nổi lên những chấm đỏ như nốt ruồi son. Anh Hải cười và dặn: em nhớ nặn máu ở những vết ruồi vàng đốt ra, thì sẽ nhanh khỏi. Anh cũng bảo, nhiều người đã bị sốt khi ruồi vàng đốt… Tôi không giấu được sự tò mò của mình về những chuyến đi tuần rừng của các anh, những khó khăn nào các anh đã trải qua trong suốt chặng đường bảo vệ rừng như thế? Là ngày nắng nóng, là mưa rừng? Là sức nặng của đồ đạc, lương thực mang theo? Là vắt và côn trùng đốt? Là điều kiện thiếu thốn, bữa ăn đạm bạc, giấc ngủ chập chờn? Là xa gia đình, là mất liên lạc với người thân? Là nguy hiểm khi đối diện với những đối tượng vi phạm?… đáp lại cả tá những thắc mắc của tôi, anh kiểm lâm Hải chỉ nhoẻn miệng cười, vừa chậm rãi thêm củi vào bếp, vừa bẽn lẽn trả lời “Mình yêu nghề, yêu rừng thôi em”… Câu trả lời nhẹ như một cơn gió mát đại ngàn khiến những mệt nhọc của tôi tan biến.


“Mình yêu nghề, yêu rừng thôi em…”

Hôm ấy chúng tôi ăn tối dưới ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn năng lượng mặt trời nhỏ xíu. Su Ki đãi chúng tôi món cá suối gác bếp, “đặc sản” của anh. Câu chuyện rôm rả với những tếu táo của các anh trong đoàn. Nhưng xen giữa những câu chuyện đó, anh kiểm lâm Hải vẫn không quên thủ thỉ tâm tình như một người anh trai, dặn dò Su Ki về bảo vệ rừng, không đặt bẫy bắt thú rừng… Nhìn biểu hiện của Su Ki thì chúng tôi hiểu rằng, anh Hải thực sự là người có uy tín và được tôn trọng ở đây.

Buổi sáng trong veo ở thung lũng giữa đại ngàn, nắng trải trên đỉnh núi, nắng trải dưới sườn đồi, nắng lấp lánh trên những thửa ruộng bậc thang đang gieo mạ mới. Sương chưa kịp tan và mây thì vẫn còn vấn vít với núi. Không khí mát lạnh đẫm mùi cây cỏ… Do chiều hôm trước đoàn đã quay được kha khá cảnh và cũng đã gặp gỡ, phỏng vấn được người dân, nên sáng đó công việc của đoàn cũng tương đối nhẹ nhành. Mặc dù cũng còn nhiều vương vấn, nhưng chúng tôi vẫn phải rời đi sớm, để có nhiều thời gian trong rừng và cũng để tránh cơn mưa chiều đã thành lệ ở nơi này.


Bình minh ở Đưng Ira Giêng

Về đến trụ sở Vườn quốc gia, tôi báo cáo với anh Hương – Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà sơ bộ về kết quả của chuyến đi, không quên cảm ơn và khoe với anh rằng tôi đã vượt qua chính mình và trở về an toàn. Thật vậy, chuyến đi đó thực sự là thử thách đối với tôi. Trước chuyến đi, anh Hương đã dặn dò: tuyến đó vất vả đấy, em nên suy nghĩ kỹ… Dù cũng đã xác định trước, cũng quyết tâm thật cao để chinh phục thử thách này, dù tôi cũng luôn nghĩ mình sẽ làm được… Nhưng quả thật, trong hai ngày ấy, nói không ngoa thì tôi đã đi bộ bằng tất cả quãng đường đi bộ trong 30 năm cuộc đời trước đó cộng lại. Về đến nơi nghỉ tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, tôi mỏi rã rời, các bó cơ đều căng cứng, đi lại tập tễnh từng bước gượng gạo. Nhưng đâu hề gì, chuyến đi ấy đã cho tôi quá nhiều trải nghiệm về rừng, về cuộc sống, về con người và văn hoá bản địa… Cho tôi cái nhìn mới hơn về tiềm năng phát triển đa giá trị dưới những tán rừng, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với cộng đồng bản địa. Nhưng hơn hết là hiểu hơn về công việc của những đồng nghiệp trong ngành – là những người kiểm lâm trân quý rừng như máu thịt, giữ rừng ngày đêm bằng thứ động lực duy nhất đó là tình yêu với đại ngàn. Để thấy và tự nhủ, ở vị trí của mình, tôi cần thực hiện tốt hơn sứ mệnh là cầu nối, lan toả tình yêu ấy đến cộng đồng, để mỗi người đều yêu hơn, trân trọng hơn, vun đắp hơn cho màu xanh của đất nước./.

Nguồn: Quỳnh Hương, Tổng cục Lâm nghiệp