Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển phát biểu tại Hội thảo
Trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm quan chức cấp cao của ASEAN về Lâm nghiệp lần thứ 22 (ASOF 22) được tổ chức tại Phi-líp-pin (ngày 18 - 19/7/2019), đoàn đại biểu của Tổng cục Lâm nghiệp do Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Điển làm trưởng đoàn đã tham dự các sự kiện quan trọng, trong đó có Cuộc họp Tổ công tác về Phát triển lâm sản và Hội thảo về các vấn đề quốc tế ảnh hưởng đến ngành Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 20 (ngày 15 - 17/9/2019). Tham dự Hội thảo có đại diện 09 nước trong khối ASEAN (Singapore không có đại diện tham dự); Ban thư ký ASEAN; Ban thư ký Hiệp định Tổ chức Hợp tác rừng Châu Á (AFoCO); các quốc gia/tổ chức quốc tế là đối tác của ASEAN: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ô-xtrây-li-a, Chương trình hợp tác về Biến đổi khí hậu ASEAN - Đức (GIZ/GAP-CC); Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR).
Hội thảo lần này với chủ đề “Chi trả dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái”. Đây được xem là cơ chế duy trì bảo tồn và nâng cao giá trị của rừng từ việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Điển đã chia sẻ những thành tựu đạt được và những bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Điển nhấn mạnh, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam là một chính sách lớn, được thiết kế bài bản, có tính đột phá, có tác động tích cực, nhanh đi vào thực tiễn và có sức lan tỏa lớn kể từ khi được áp dụng vào năm 2011 đến nay. Nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam đóng góp khoảng trên 20% tổng vốn đầu tư cho ngành lâm nghiệp hàng năm và đã trở thành nguồn tài chính quan trọng cho chủ rừng, nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng.
Đại diện các quốc gia thành viên ASEAN, các quốc gia và các Tổ chức quốc tế là đối tác của ASEAN đã đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và mong muốn tiếp tục được Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm để áp dụng triển khai rộng rãi tại các quốc gia trong khu vực./.