Các ý kiến tham luận tại Hội thảo nêu rõ, trong 5 năm qua (2009 đến 2013), diện tích rừng tại Việt Nam tăng nhanh, ổn định, công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng giảm dần. Giai đoạn này, bình quân mỗi năm cả nước trồng 226 nghìn ha rừng, trong đó rừng sản xuất là 196 nghìn ha, độ che phủ của rừng tăng từ 39,1% lên 41%. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với hơn 2.500 doanh nghiệp tham gia. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản đạt hơn 5,7 tỷ USD trong năm 2013... Tuy vậy, phát triển lâm nghiệp tại Việt Nam cũng bộc lộ nhiều hạn chế như tình trạng phá, khai thác rừng tự nhiên còn diễn ra phức tạp. Chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên suy giảm, thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% trong tổng thu nhập của người dân vùng núi...
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế lâm nghiệp chưa đồng bộ, năng suất, chất lượng rừng còn thấp, khả năng cung cấp gỗ lớn cho công nghiệp chế biến còn hạn chế... Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung rà soát, đánh giá lại các chính sách về phát triển lâm nghiệp, phát huy các mô hình sản xuất lâm nghiệp có hiệu quả, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, chú trọng công tác quản lý bảo vệ rừng, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đội ngũ kiểm lâm... Các đại biểu kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành lâm nghiệp như đánh giá lại quy hoạch tổng thể rừng cấp quốc gia và cấp vùng, thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cấp quốc gia phân chia theo vùng quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ đến năm 2020; giao đất, giao rừng, cho thuê rừng, ưu tiên cấp quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài cho các hộ, doanh nghiệp trồng rừng...