Theo nhiều đại biểu tham dự Hội thảo Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng do Ủy ban Kinh tế chủ trì tổ chức tại Thái Nguyên vừa qua thì cần thay đổi tư duy đối với lĩnh vực này theo hướng mạnh dạn đổi mới xã hội hóa rừng. Từ rừng Nhà nước chuyển hẳn sang rừng Nhà nước, nhân dân và xã hội làm rừng, trồng rừng, kinh doanh rừng và bảo vệ rừng. Người trồng rừng phải thực sự sống bằng nghề rừng.
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ban hành và có hiệu lực thi hành gần 10 năm, đã tạo khung pháp lý quan trọng trong lĩnh vực lâm nghiệp, góp phần phát triển lâm nghiệp đúng hướng trong giai đoạn đổi mới đất nước. Tuy nhiên, trong tình hình mới hiện nay, Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Nhiều quy định của Luật chủ yếu mang tính định hướng, tuyên bố hơn là các quy phạm, tạo ra các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đa tầng, cồng kềnh, mâu thuẫn và chồng chéo. Tính minh bạch, tính khả thi chưa cao, chưa làm rõ cơ chế thực hiện các quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu rừng tự nhiên và các quyền của chủ rừng. Các quy định liên quan đến quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, giao rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, phân loại rừng, bảo vệ rừng... còn chồng chéo, mâu thuẫn, khó áp dụng vào thực tiễn. Chính sách đầu tư, tín dụng, tài chính chưa phù hợp với đặc điểm sản xuất lâm nghiệp, thiếu chính sách về chế biến và thương mại lâm sản.
Nhiều đại biểu dự Hội thảo cũng đồng tình với phân tích, đánh giá nêu trong Báo cáo đề dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về nguyên nhân khách quan, chủ quan làm cho tái cơ cấu ngành lâm nghiệp chưa thật sự bền vững như mong muốn. Theo đó, về nguyên nhân chủ quan, thời gian qua nhận thức về phát triển rừng ở nước ta dường như đã quá chú trọng đến vai trò tăng độ che phủ để bảo vệ môi trường và có phần coi nhẹ vai trò kinh tế, tăng thu nhập. Hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa đồng bộ và chưa được thực hiện một cách triệt để như giao đất, giao rừng, chính sách hưởng lợi, khuyến lâm, chuyển giao lâm nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật... Đây có lẽ không phải là nguyên nhân mới, bởi từ những nhiệm kỳ QH trước, khi giám sát việc thực hiện Nghị quyết của QH về Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, nguyên nhân về cơ chế, chính sách chưa phù hợp với thực tế ít nhiều đã được ĐBQH chỉ ra. Một trong những thực trạng đó là người trồng rừng không sống được bằng nghề rừng, hay cơ chế khoán quản lý rừng tự nhiên quá thấp, không có tác dụng khuyến khích người dân giữ rừng. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân như đầu tư cho lâm nghiệp chưa tương xứng, chưa quan tâm đến đặc thù của lâm nghiệp là chu kỳ dài và chủ yếu hoạt động ở những vùng khó khăn, hạ tầng vùng sản xuất lâm nghiệp yếu kém. Chỉ đạo, quản lý nhà nước còn hạn chế. Quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp ở nhiều địa phương chưa sát với thực tế và thường xuyên bị phá vỡ.
Tổng kết việc thi hành Luật cũng cho thấy cần thiết phải sửa đổi cho phù hợp với các chủ trương, định hướng mới về phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể Đại hội XI của Đảng đã thông qua Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020. Trong đó về lĩnh vực lâm nghiệp, Chiến lược đã nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Khuyến khích cá nhân, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng sản xuất; gắn trồng rừng nguyên liệu với công nghiệp chế biến ngay từ trong quy hoạch và dự án đầu tư; lấy nguồn thu từ rừng để phát triển rừng và làm giàu từ rừng. Tiếp đó, tại Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã thông qua Nghị quyết về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh phải nâng độ che phủ của rừng lên 45% vào năm 2020, bảo vệ, đẩy mạnh phục hồi, trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn, ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng cháy rừng...
Các tư tưởng, quan điểm về quản lý và bảo vệ rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp tiếp tục được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013, cụ thể hóa trong một số đạo luật vừa được QH thông qua như Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học... Thực tế này cho thấy, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đang đi chậm hơn so với thực tiễn, nhu cầu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quan điểm, tư tưởng mới là tất yếu và cần thiết. Đồng thuận với quan điểm này, nguyên Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, chủ trương, đường lối, phương hướng, mục tiêu cho tái cơ cấu kinh tế lâm nghiệp đã được nêu khá rõ trong các Nghị quyết của Đảng và các đạo luật QH vừa thông qua. Việc sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng theo đó sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, tạo đà mạnh hơn cho quá trình tái cơ cấu kinh tế lâm nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải xác định được trọng tâm của việc sửa đổi Luật.
Để phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng, theo nguyên Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, cần chú ý đến ba mối quan hệ lợi ích cơ bản là: quan hệ lợi ích; trách nhiệm đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức gắn liền với rừng; và đất ở. Quan hệ lợi ích của các chủ thể khác có liên quan đến khai thác lợi thế từ rừng như công nghiệp, du lịch và các ngành khác. Lợi ích của các chủ thể bảo đảm yêu cầu an ninh, quốc phòng quốc gia. Nếu đặt vấn đề phát triển kinh tế rừng theo hướng bảo đảm thỏa đáng, hài hòa ba mối quan hệ lợi ích này, thì tái cơ cấu lâm nghiệp mới thật sự đột phá. Theo đó, trong sửa đổi Luật tới đây, phải thực hiện chủ trương xã hội hóa đến mức cao nhất, đưa mọi tổ chức, cá nhân cùng chăm lo, phát triển kinh tế lâm nghiệp, bảo vệ rừng.
Cùng quan điểm, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ phân tích: nhìn lại bước phát triển kinh tế rừng 5 năm qua, có thể thấy, trước hết chúng ta trồng rừng tăng gấp 2 lần cả về giá trị và xuất khẩu. Rừng được bảo vệ tốt hơn là do đâu? Ấy là do nước ta đã mạnh dạn đổi mới thực hiện xã hội hóa rừng. Từ rừng Nhà nước chuyển sangrừng Nhà nước, nhân dân và xã hội làm rừng, trồng rừng, kinh doanh rừng và bảo vệ rừng. Chỉ trong vòng 5 năm thực hiện xã hội hóa, 78% tổng diện tích rừng được giao cho nhân dân. Nhân dân vừa có thu nhập, vừa có việc làm, Nhà nước lại bảo đảm được mức tăng nguồn đầu tư cho lâm nghiệp. Đây là bài học lớn. Thứ hai là cơ chế thị trường đã được áp dụng trong ngành lâm nghiệp, mua nguyên liệu, trồng nguyên liệu, giao rừng, tạo ra mối liên kết bắt buộc trong tầng lớp lâm nghiệp, công nghiệp và thị trường trong trồng rừng - mối liên hệ này tạo ra động lực mới cho ngành trồng rừng. Trước đây, trồng rừng không biết bán cho ai, chủ yếu bán cho nhà máy giấy. Giờ đây trồng rừng có thể tạo sản phẩm, xuất khẩu gỗ trong nước, ngoài nước như bài học tại Nam Định. Những bài học đó là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ đánh giá, nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tới đây. Theo đó Luật sẽ phải đưa ra các cơ chế, chính sách, quy định để bảo đảm khai thác được tiềm năng từ rừng. Thực tế cho thấy nếu rừng chỉ của Nhà nước như trước đây thì không thể làm xuể. Bài học rút ra chính là phải mạnh dạn thực hiện xã hội hóa trong nghề rừng. Người trồng rừng phải được hưởng giá trị từ rừng thì họ mới có động lực để thật sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ rừng. Rừng muốn bền vững thì chính sách phát triển rừng phải dựa trên cơ chế thị trường. Đây chính là điều mà QH đã chỉ ra từ nhiệm kỳ trước khi giám sát việc thực hiện Nghị quyết của QH về dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng và đã, đang được hiện thực hóa trên thực tế.
Thực tế cho thấy, ở những nơi trồng rừng biết liên kết thị trường đã đem lại kết quả cao. Ví dụ tại Quảng Trị, tỉnh đã thực hiện mô hình quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ FSC (là sự thừa nhận đối với việc quản lý các sản phẩm gỗ hoặc quản lý chất lượng rừng), tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ hàng hóa và xuất khẩu. Giá gỗ có chứng chỉ FSC cao hơn so với giá gỗ thương mại tại cùng thời điểm từ 30 đến 40%. Thu nhập bình quân của hộ trồng rừng của Quảng Trị hiện đã ở mức 130 – 150 triệu đồng/ha. Kết quả này có tác dụng lan tỏa rất lớn trong nhân dân. Phong trào trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp theo đó cũng chuyển biến tích cực. Người dân nhận thức rõ hơn về phương pháp làm giàu từ rừng, có ý thức cao trong việc gắn phát triển sản xuất kinh doanh rừng với quản lý rừng bền vững. Hay ở Thái Nguyên, mô hình xã hội hóa về lâm nghiệp được thực hiện theo Đề án Cánh rừng mẫu lớn, có quy mô 450 ha với 4 hợp phần lâm sinh: trồng quế để chiết xuất tinh dầu; trồng thâm canh các loài cây mọc nhanh hơn gỗ lớn lấy gỗ phục vụ chế biến kết hợp cây dược liệu dưới tán; trồng cây bản địa đa tác dụng và mô hình nông lâm kết hợp đang mang lại hiệu quả cao cho người trồng rừng, bảo vệ rừng. Nguồn vốn chủ yếu được tỉnh thực hiện theo hình thức xã hội hóa, thực hiện giao rừng, gắn với giao đất cùng các cơ chế ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Hiệu quả từ chủ trương xã hội hóa phát triển kinh tế lâm nghiệp đã thực tế chứng minh là đúng đắn và mang lại hiệu quả kinh tế, gỡ được nút thắt người trồng rừng không sống được bằng nghề rừng. Vậy cớ gì trong sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tới đây lại không mạnh dạn thay đổi tư duy theo hướng n��y. Đó là phân quyền và phi tập trung hóa trong quản lý tài nguyên rừng. Ngoài kinh tế nhà nước, cần trao quyền và khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xác định vai trò cộng đồng trong quản lý tài nguyên rừng theo hướng cộng đồng được hưởng quyền gì, hình thức quản lý rừng cộng đồng ra sao và có công nhận cộng đồng là chủ rừng hay không? Sửa đổi Luật cũng cần làm rõ mối quan hệ về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng, đất rừng, trong đó chú ý quyền sở hữu rừng của cộng đồng dân cư.
Chuyển hóa thực tế sinh động của cuộc sống thành Luật, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi trong giai đoạn mới của phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng, cụ thể hóa các tư tưởng, quan điểm mới về nội dung này là việc cần sớm được QH xem xét, thảo luận. Với vai trò cơ quan được giao quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị QH xem xét cho chủ trương, bố trí nội dung sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hiện hành vào Chương trình lập pháp của năm 2016 và 2017. Sớm sửa Luật để tạo hành lang pháp lý hướng tới mục tiêu chung: phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh.