Phong trào trồng rừng phát triển mạnh nên nhiều tổ chức, cá nhân đã đua nhau xây dựng cơ sở sản xuất CGLN; số cơ sở sản xuất CGLN có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng và quy mô sản xuất.
Theo Sở NN&PTNT, Bình Định là tỉnh có phong trào trồng rừng kinh tế khá mạnh ở khu vực Duyên hải miền Trung với hơn 100 ngàn ha rừng trồng. Hằng năm, diện tích rừng trồng mới, khai thác trồng lại trên địa bàn tỉnh trên dưới 10.000 ha, nhu cầu về cây giống cho công tác trồng rừng ước khoảng 20 triệu cây/năm.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (thuộc Sở NN&PTNT) cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 112 đơn vị đăng ký sản xuất kinh doanh CGLN, tăng thêm 6 đơn vị so với thời điểm tháng 4.2014. Hiện các cơ sở sản xuất CGLN trong tỉnh đã xây dựng được 114 vườn ươm, với tổng diện tích 72,5 ha, năng lực sản xuất khoảng 200 triệu cây giống/năm.
Hầu hết các đơn vị sản xuất cây giống bằng phương pháp giâm hom đối với cây keo lai; một số đơn vị sản xuất cây giống keo lai, bạch đàn từ nuôi cấy mô và sản xuất các loài cây bản địa như phi lao, keo lá tràm, thông Caribe, sao đen, bời lời... từ hạt giống.
CGLN trên địa bàn tỉnh khá đa dạng về chủng loại, giá cả phải chăng, nên được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trồng rừng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Riêng đối với vườn cung cấp hom keo lai, toàn tỉnh có 128 nguồn giống với tổng diện tích 43,6 ha dùng để sản xuất cây con bằng phương pháp giâm hom, năng lực cung cấp 140 triệu hom/năm.
Hiện nay, ngoài thị trường các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên như: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, các cơ sở sản xuất CGLN trong tỉnh còn cung ứng một lượng lớn cây giống cho các công ty, đơn vị trồng rừng tại các tỉnh Nam Lào.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh CGLN trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh là điều đáng mừng. Tuy nhiên, đáng quan ngại là do chạy theo lợi nhuận, một số cơ sở sản xuất chưa thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý CGLN theo quy định của Bộ NN&PTNT; tình trạng xuất bán cây giống nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống vẫn còn xảy ra tại một số địa phương.
Vào mỗi vụ trồng rừng, lại xuất hiện tình trạng thương lái vận chuyển nhiều loại CGLN không rõ nguồn gốc xuất xứ đi tiêu thụ với giá khá rẻ. Một số hộ trồng rừng vì ham rẻ nên mua phải cây giống trôi nổi, chất lượng kém, gây ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng.
Trước vụ trồng rừng năm nay, trên địa bàn thôn Phú Kim - xã Cát Trinh và xã Cát Hanh (Phù Cát) vẫn còn một số hộ sản xuất CGLN không có nguồn gốc, xuất xứ; hộ sản xuất không có giấy phép sản xuất kinh doanh nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý.
Theo cơ quan chuyên môn, nếu người trồng rừng sử dụng CGLN kém chất lượng thì hậu quả mang lại rất lớn, vì CGLN có chu kỳ phát triển khá dài, phải mất từ 3-4 năm sau mới phát hiện được. Việc kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất CGLN là vấn đề đáng được quan tâm và phải được duy trì thường xuyên.
Song cái khó của cơ quan chuyên môn được giao quản lý lĩnh vực này (Chi cục Lâm nghiệp) lại không có lực lượng thanh tra. Do vậy, công tác quản lý CGLN gặp rất nhiều khó khăn; việc kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm trên lĩnh vực CGLN lâu nay chưa được quan tâm đúng mức.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm soát, nâng cao chất lượng CGLN trước khi bước vào vụ trồng rừng mới. Tổ chức quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt nguồn gốc CGLN từ khâu thu hoạch vật liệu giống, cấp chứng nhận nguồn gốc lô giống, quản lý sản xuất cây con ở vườn ươm, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc cây con tới khâu lưu thông đến chân lô trồng rừng.
Nghiêm cấm không sử dụng các lô giống không rõ nguồn gốc xuất xứ; phải xử lý, tiêu hủy tất cả các lô giống không rõ nguồn gốc khi phát hiện. Phải đình chỉ sản xuất hoặc thu hồi giấy phép đối với những cơ sở không đủ điều kiện...
Ông Nguyễn Thế Dũng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Lâm nghiệp, Chi cục sẽ tham mưu Sở NN&PTNT thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh và thực hiện các quy định của Nhà nước trên lĩnh vực sản xuất CGLN trên địa bàn tỉnh.
Chi cục sẽ thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người trồng rừng không mua, không sử dụng các CGLN không rõ nguồn gốc, xuất xứ để trồng rừng; tăng cường việc cấp giấy chứng nhận CGLN trước khi xuất vườn. “Hiện nay, Chi cục Lâm nghiệp cũng đang tiến hành cơ cấu lại bộ máy theo hướng sáp nhập với Chi cục Kiểm lâm; sau khi sáp nhập, sẽ có lực lượng thanh tra, pháp chế quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất CGLN” - ông Dũng cho biết thêm.
Trong vụ trồng rừng năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch trồng 8.500 ha rừng tập trung, gồm 1.015 ha rừng phòng hộ, 7.485 ha rừng sản xuất. Ðến giữa tháng 7, các cơ sở sản xuất CGLN trên địa bàn tỉnh đã tổ chức gieo ươm được gần 120 triệu cây giống các loại, đáp ứng đủ nhu cầu cây giống phục vụ trồng rừng năm 2015. Trong đó, keo lai hom 114 triệu cây, keo lai cấy mô 5,45 triệu cây, sao đen 850 ngàn cây, phi lao 350 ngàn cây, thông Cariber 140 ngàn cây…