Gia Lai có tổng diện tích tự nhiên 1.551.098,53ha, đất lâm nghiệp có rừng 631.281,09ha (không bao gồm diện tích cây cao su, điều,…), trong đó diện tích tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là 465.035ha, chiếm 73,67% diện tích có rừng toàn tỉnh. Qua 10 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh, tổng số tiền thu ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh (Quỹ BV&PTR tỉnh) đạt hơn 922,4 tỷ đồng, bước đầu đã tạo nguồn lực quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR cho người dân
Từng bước đưa chính sách vào cuộc sống
Theo quy định Luật Lâm nghiệp năm 2017, cơ sở sản xuất, kinh doanh hưởng lợi từ DVMTR như: thủy điện, nước sạch, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước từ rừng trong quá trình sản xuất hoặc các nhà máy phát thải khí CO2 lớn,... phải chi trả tiền DVMTR. Hiện tại, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai đang thực hiện thu ủy thác tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện (36 đồng/KWh), nước sạch (52 đồng/m3), cơ sở công nghiệp có sử dụng nguồn nước từ rừng (50 đồng/m3), để thực hiện chi trả cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đã bỏ công sức chăm sóc, quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, cung ứng DVMTR. Tiền DVMTR được hạch toán vào giá thành sản phẩm, vì vậy người tiêu dùng cuối cùng trở thành bên sử dụng DVMTR.
Chi trả DVMTR là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, giúp tạo ra nguồn tài chính xã hội hóa bền vững, bổ sung thêm đóng góp của ngành lâm nghiệp cho nền kinh tế quốc dân, giúp giảm áp lực tài chính của ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng rừng đồng thời góp phần cải thiện sinh kế cho đồng bào nghèo sống gắn bó với rừng.
Được thành lập từ năm 2012, sau 10 năm, tổ chức bộ máy hoạt động của Quỹ BV&PTR tỉnh khá ổn định (gồm Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát và Ban Điều hành), có chức năng, nhiệm vụ chính là huy động và tiếp nhận nguồn vốn ủy thác tiền DVMTR, các nguồn viện trợ, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại Gia Lai thông qua Quỹ BV&PTR tỉnh những năm qua được đánh giá hiệu quả, nhận được sự đồng thuận lớn của các cấp chính quyền địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân.
Xác định diện tích rừng chi trả DVMTR cho BQLRPH Yaly
"Gặt hái quả ngọt"
Qua 10 năm, với 78 hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR được ký kết trong nội tỉnh (gồm 39 hợp đồng với nhà máy thủy điện, 21 hợp đồng với các nhà máy sản xuất và cung ứng nước sạch, 18 hợp đồng với các nhà máy sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước từ rừng) và số tiền DVMTR do Quỹ BV&PTR Việt Nam điều phối, Quỹ BV&PTR tỉnh Gia Lai đã thu được 922,4 tỷ đồng tiền DVMTR. Nguồn tiền này sau khi trích chi phí quản lý theo quy định, được chi trả cho 180 bên cung ứng DVMTR, gồm 21 BQL rừng phòng hộ, đặc dụng với diện tích 238.402 ha; 11 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp với diện tích 117.276 ha; 28 chủ rừng là cộng đồng dân cư với diện tích 6.469 ha; 109 UBND cấp xã với diện tích 89.932 ha và 11 chủ rừng là tổ chức khác với diện tích 12.956 ha phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Lũy kế đến nay, Quỹ BV&PTR tỉnh đã chi trả cho các đơn vị cung ứng DVMTR hơn 836,2 tỷ đồng.
Giai đoạn thực hiện chính sách chi trả DVMTR 2011-2021, nguồn tiền DVMTR đã góp phần nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh lên 46,7%, chiếm tỷ trọng 69,1% tổng số tiền đầu tư cho lĩnh vực lâm nghiệp toàn tỉnh (so với ngân sách nhà nước chiếm 29,54% và vốn ODA chiếm 1,35%). Điều này có thể khẳng định rằng tiền DVMTR đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, đồng thời giúp giảm áp lực chi từ ngân sách nhà nước cho lâm nghiệp trong bối cảnh kinh tế địa phương còn khó khăn. Từ khi có chính sách chi trả DVMTR, tổng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp có xu hướng giảm đáng kể. Cụ thể, trong năm 2011, khi chưa có chính sách chi trả DVMTR, số vụ vi phạm là 1.422 vụ, sau 5 năm thực hiện, năm 2016 giảm xuống còn 992 vụ và đến năm 2021 giảm còn 428 vụ.
Bên cạnh những kết quả bước đầu sau 10 năm Quỹ BV&PTR tỉnh Gia Lai tổ chức hoạt động gắn với thực hiện chính sách chi trả DVMTR, thực tế trên địa bàn tỉnh, một số khó khăn, vướng mắc còn tồn tại như: chậm triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, chi trả tiền DVMTR theo diện tích rừng cung ứng trong lưu vực của các nhà máy thủy điện bậc thang gây ra sự chênh lệch lớn về đơn giá chi trả cho 01ha rừng… Hiện nay, trên 70% số thu tiền DVMTR của Quỹ BV&PTR tỉnh Gia Lai là từ Quỹ BV&PTR Việt Nam điều phối, theo lưu vực của nhà máy thủy điện, mức chi trả được điều phối thấp trong khi diện tích rừng cung ứng DVMTR lớn gây ra những bất cập về cơ chế hưởng lợi...
Trong thời gian tới, để chính sách chi trả DVMTR tiếp tục phát huy hiệu quả bền vững, đúng với chủ trương xã hội hóa nghề rừng, "lấy rừng nuôi rừng", cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền trung ương, địa phương, đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 phần nội dung DVMTR có ý nghĩa quan trọng trong việc tháo gỡ những bất cập, khó khăn này.