A Lưới là một trong những huyện tích cực tham gia chủ trương giao đất giao rừng của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Toàn huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 110. 600 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 81.300 ha, rừng trồng hơn 9.400 ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp trên 19.800 ha.
Đến nay, A Lưới đã tổ chức giao rừng cho 191 nhóm hộ, 11 hộ gia đình, 20 cộng đồng dân cư thôn và 2 tổ chức với tổng diện tích hơn 15 nghìn ha, đạt 85% kế hoạch, trong đó cộng đồng thôn được giao 12% tổng diện tích. Ngoài ra, huyện còn hoàn thiện được hồ sơ cho 5.200 ha rừng đã giao trước đây để xác nhận quyền quản lý 97% diện tích trên thuộc về 19 cộng đồng dân cư thôn.
Thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng của tỉnh Thừa Thiên - Huế, xã Hồng Kim (huyện A Lưới) được giao rừng năm 2013, với tổng diện tích gần 400 ha cho 6 cộng đồng. Trong đó, Cộng đồng thôn 3 được giao 58,3 ha rừng. Đây là một trong những điển hình trong công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng gắn liền với các mô hình phát triển sinh kế.
Rừng cộng đồng thôn 3 thuộc lưu vực Thủy điện A Lưới. Từ năm 2015, thôn được tiếp nhận các nguồn kinh phí hỗ trợ khác nhau, trong đó có nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, trung bình mỗi năm khoảng 20 triệu đồng để hỗ trợ kinh phí cho người dân trong công tác tuần tra bảo vệ rừng và mua sắm các phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ.
Nhờ vậy những năm qua, hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng đã được Ban quản lý rừng cộng đồng thôn duy trì thường xuyên, đều đặn. Ngoài ra, để việc quản lý rừng bền vững ngày càng hiệu quả hơn, các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình còn chủ động xây dựng, phát triển các mô hình sinh kế dưới tán rừng để trồng lâm sản ngoài gỗ.
Ban quản lý rừng cộng đồng thôn cũng xây dựng “Quy chế quản lý sử dụng nguồn quỹ”, trong đó có kế hoạch thu/chi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý bảo vệ rừng gắn với làm giàu diện tích rừng được giao, góp phần nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Tuy nhiên, với nguồn kinh phí chi trả còn hạn chế nên chỉ vừa đủ hỗ trợ tiền công tuần tra quản lý, bảo vệ rừng, mua sắm một số trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác tuần tra bảo vệ rừng. Trong lúc đó, kỹ năng công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng của các thành viên trong cộng đồng vẫn còn hạn chế. Vì vậy, việc huy động thêm các nguồn lực để cho phát triển rừng, làm giàu rừng chưa được đầu tư đúng mức .
Bà Trần Thị Vỹ, thành viên Nhóm bảo vệ rừng Cộng đồng thôn 3 (xã Hồng Kim) cho biết, được sự hỗ trợ từ Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2” (BCC) năm 2014, Cộng đồng Thôn 3 đã được cung cấp cây giống lâm nghiệp như lim, sến, gõ.. và song mây) cũng như tiền công phục vụ hoạt động làm giàu rừng.
Đến nay, Ban quản lý rừng Cộng đồng thôn 3 đã trồng được 15.000 cây mây trên diện tích 10 ha và lim trồng xen dưới tán 30 ha rừng. Việc kết hợp giữa tuần tra bảo vệ rừng, chăm sóc diện tích các loại cây trồng và lâm sản ngoài gỗ là việc luôn được Ban quản lý và các thành viên bảo vệ rừng trong Cộng đồng thôn rất quan tâm. Nhờ vậy, đã ngăn chặn kịp thời các hành vi có dấu hiệu xâm phạm tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng. Qua đó, hệ sinh thái, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao.
Cùng với Cộng đồng thôn 3 xã Hồng Kim, nhiều cộng đồng thôn trên địa bàn huyện A Lưới cũng được hỗ trợ xây dựng Quy ước Bảo vệ phát triển rừng, Kế hoạch quản lý rừng và Quy chế sử dụng quỹ Bảo vệ phát triển rừng, tiêu biểu như tại các xã A Roàng (6 thôn), Hồng Bắc (2 thôn), Hồng Hạ (1 thôn), Hương Nguyên (01 thôn), Hồng Thái (1 thôn). Đây là cơ sở để các cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình phát huy hiệu quả việc giao rừng cộng đồng trong thời gian tới.
Ông Trần Đình Thiện, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm A Lưới cho biết: Để hỗ trợ các cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình nâng cao vai trò và năng lực trong công tác tuần tra bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đã triển khai họp tất cả các chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn, nhóm hộ gia đình tại các xã được giao rừng kết hợp với kiểm tra, tuyên truyền và hướng dẫn các cộng đồng thôn, các nhóm hộ gia đình và hộ gia đình về công tác quản lý, bảo vệ rừng được giao.
Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức truyền thông công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên cho người dân trên địa bàn huyện.
“Qua các buổi tuyên truyền, người dân đã tự giác hơn trong công tác tuần tra bảo vệ rừng được giao, thường xuyên trao đổi thông tin cho chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn để kịp thời ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng. UBND các xã đã chủ động xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng hằng năm; phân công kiểm tra và thúc đẩy các chủ rừng”, ông Thiên cho hay.
Tại Thừa Thiên - Huế, với sự hỗ trợ từ các dự án và thực hiện đề án giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, địa phương đã hoàn thành cơ bản việc giao toàn bộ diện tích rừng chưa được quản lý. Trong đó, A Lưới là một huyện miền núi có diện tích rừng lớn nhất trên địa bàn tỉnh đã triển khai tốt việc giao rừng cho cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình.