Ngày 26/8 vừa qua, với sự tài trợ của tổ chức hợp tác quốc tế Đức - GIZ, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái tổ chức tạm ứng tiền DVMTR năm 2018 cho người dân xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cảng Chải– địa điểm đang thực hiện thí điểm chi trả tiền DVMTR thông qua hệ thống ngân hàng.
Vùng dự án thí điểm lần này đã được ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) hỗ trợ mở 04 tài khoản chung cho 4 bản (Dế Xu Phình A, B, Ma Lừ Thàng, Háng Cuốn Rùa), bản Phình Hồ có 102 tài khoản cá nhân, bản Trống Sua có 40 tài khoản cá nhân, ngoài ra có 01 tài khoản của Hội nông dân xã. Đơn giá tạm ứng lần này cho người dân là 400.000 đồng/ha, bản Dế Xu Phình A thuộc BQL rừng phòng hộ Mù Cang Chải nhận được số tiền DVMTR lớn nhất là hơn 129 triệu với hơn 322 ha rừng, Hội nông dân nhận số tiền thấp nhất là gần 23 triệu đồng cho hơn 57 ha rừng.
Theo thông báo được dán tại nhà văn hóa cộng đồng từ mấy hôm trước, ngay từ sáng sớm, người dân Dế Xu Phình đã tập trung rất đông tại hội trường UBND xã, háo hức chờ đợi nhận tiền DVMTR theo hình thức mới này. Do đã được bên ngân hàng mở tài khoản từ lần tập huấn trước đó, nên đi nhận tiền lần này, người dân chỉ cần đem theo chứng minh thư nhân dân để ngân hàng đối chiếu là có thể rút tiền từ tài khoản của mình. 1 người dân bản Trống Sua cho biết “Nhận tiền DVMTR như thế này cũng tiện lắm, nhanh lắm, tôi đọc tờ thông báo tôi biết gia đình tôi đang bảo vệ bao nhiêu ha rừng, nhận được bao nhiêu tiền, hôm nay tôi chỉ rút 1 nửa số tiền thôi, còn 1 nửa tôi để dành trong tài khoản cho an toàn”.
Trưởng bản Phình Hồ Hảng A Phổng cho biết thêm “thực hiện chủ trương mở tài khoản thanh toán tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng, bản thân tôi nhận thấy đây là việc làm rất hay, giúp cho trưởng bản như tôi giảm được rất nhiều công để đi báo các hộ gia đình đi nhận tiền, có trường hợp phải đi tìm tận trong rừng hay ngoài lán nương để thông báo, mở tài khoản thì tiền được trả trực tiếp cho các hộ gia đình, tôi không phải nhận tiền rồi chia cho các hộ như trước đây nữa, hay nhầm lẫn và phải đổi tiền lẻ để chia nên vất vả lắm cán bộ ạ”.
Buổi tạm ứng tiền DVMTR diễn ra dưới sự có mặt giám sát của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, Ban quản lý RPH Mù Cang Chải, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh. Do đã được Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái cung cấp đầy đủ danh sách chi tiết các chủ rừng từ trước đó nên quá trình thực hiện nghiệp vụ được ngân hàng triển khai khá nhanh chóng, đơn giản, không mất nhiều thời gian của đồng bào, để họ còn trở về làm việc nữa, ai nấy đều phấn khởi.
Việc thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng giúp nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, an toàn khi có 1 bên thứ 3 đứng ra chi trả, quyền lợi của người dân được đảm bảo đồng thời giúp làm giảm thiểu những rủi ro cho phía Quỹ. Ngoài ra, GIZ còn hỗ trợ cho Hòa Bình và Đắk Nông, 2 địa phương này đã hoàn thiện xong các thủ tục với ngân hàng và dự kiến sẽ tiến hành tạm ứng sớm cho người dân.
Tại khoản 3, Điều 73 trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Lâm nghiệp quy định việc tạm ứng thanh toán tiền DVMTR đối với chủ rừng là tổ chức là bắt buộc, còn đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì Nhà nước khuyến khích thực hiện qua tài khoản ở những nơi đủ điều kiện. Kết quả thí điểm tại Yên Bái, Hòa Bình, Đắk Nông sẽ là đánh giá quan trọng để Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam tham mưu Tổng cục Lâm nghiệp ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng làm cơ sở để nhân rộng hình thức này trong cả nước.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam giai đoạn 3 cũng hỗ trợ 2 tỉnh Sơn La và Lâm Đồng thực hiện thí điểm chi trả điện tử tiền DVMTR – hình thức Vietel pay đến năm 2020.