Sơn La là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước thí điểm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ năm 2008. Lũy kế tiền DVMTR thu được ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Sơn La sau 9 năm đạt trên 800 tỷ đồng (bình quân khoảng 100 tỷ đồng/năm) để chi trả cho trên 50 nghìn chủ rừng quản lý hơn 600 nghìn ha rừng.
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ thì việc triển khai chính sách tại Sơn La nói riêng và trên cả nước nói chung còn một số khó khăn, mặc dù các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hiện nay đã có những hướng dẫn bước đầu nhưng còn thiếu một hệ thống chỉ số giám sát đánh giá các mục tiêu đã đề ra của chính sách một cách đồng bộ, thống nhất. Cụ thể hơn: (1) Chưa có cơ chế giám sát đánh giá hiệu quả về chất lượng và số lượng của DVMTR; (2) Chưa có cơ chế giám sát đánh giá dòng tiền chi trả, liệu tiền chi trả DVMTR có được chuyển tới đúng đối tượng? có được sử dụng đúng mục đích? có hiệu quả không?; (3) Chưa có cơ chế giám sát đánh giá về tác động lên đời sống kinh tế, xã hội và môi trường... Bên cạnh đó, khung chính sách còn thiếu một cơ chế phản hồi giữa các bên có liên quan: giữa người dân với cơ quan nhà nước; giữa chính quyền địa phương với chính quyền trung ương và giữa đơn vị sử dụng DVMTR với cơ quan nhà nước.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Quỹ BV&PTR tỉnh Sơn La đã chủ động đề xuất với Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ BV&PTR Việt Nam và UBND tỉnh Sơn La cho phép xây dựng cơ chế, bộ chỉ số và thí điểm thực hiện mô hình giám sát đánh giá chi trả DVMTR với sự hỗ trợ của Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD), Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) trong thời gian từ tháng 8/2016 đến tháng 5/2018.
Quá trình xây dựng hệ thống bộ chỉ số về theo dõi, giám sát và đánh giá (M&E) chi trả DVMTR tại Sơn La
Để đảm bảo tính khách quan, toàn diện, bộ chỉ số được xây dựng dựa trên 5 căn cứ cơ bản như: (1) Yêu cầu báo cáo của Quỹ BV&PTR Việt Nam (Hàng năm Quỹ tỉnh đều phải báo cáo Quỹ TW về kết quả thực hiện chính sách, do vậy các chỉ số giám sát đánh giá phải đáp ứng được các yêu cầu báo cáo mà TW yêu cầu); (2) Yêu cầu và nhu cầu báo cáo về chính sách của các sở, ban ngành và UBND tỉnh Sơn La; (3) Đề nghị và mối quan tâm của người sử dụng và cung ứng DVMTR; (4) Ưu tiên, ngân sách và nguồn lực thực tế của Quỹ tỉnh; (5) Cơ sở và các phương pháp nghiên cứu khoa học.
Theo đó, bộ chỉ số đã được xây dựng và phê duyệt với 4 chỉ số cơ bản (thể chế/chính sách, môi trường, kinh tế, xã hội) và 31 chỉ số thành phần như sau:
Với bộ chỉ số này, việc theo dõi, giám sát và đánh giá chi trả DVMTR tại Sơn La được thực hiện một cách khách quan, toàn diện do được cung cấp từ nhiều nguồn số liệu (được thể chế hóa thông qua quy chế giữa các sở, ban ngành, đơn vị trong tỉnh phối hợp thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại văn bản số 1106/QĐ-UBND ngày 25/5/2018 của UBND tỉnh), đa dạng trong cách tiếp cận và sự ứng dụng linh hoạt kết hợp của nhiều công cụ như:
Trình tự thực hiện báo cáo M&E PFES Sơn La
· Thu thập số liệu: Các số liệu thứ cấp được thu thập và rà soát từ các báo cáo của Quỹ BV&PTR tỉnh năm 2009 tới nay, các niên giám số liệu thống kê của tỉnh từ các, báo cáo của các sở ban ngành trong tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, báo cáo của các đơn vị sử dụng DVMTR (nhà máy thủy điện, nước sạch), báo cáo khoa học của các bên liên quan, ... Đối với số liệu sơ cấp, để thu thập số liệu đánh giá, yêu cầu phải sử dụng công cụ đánh giá nhanh có sự tham gia của người dân (PRA) gồm: Phỏng vấn hộ (240 hộ), thảo luận nhóm chuyên sâu, phỏng vấn cán bộ xã, bản… áp dụng phương pháp Trước- Sau – Đối chứng – Can Thiệp.
· Xử lý và làm sạch số liệu sau thu thập: Sau khi thu thập, số liệu cần được xử lý để đảm bảo tính nhất quán giữa các số liệu khác nhau và nguồn khác nhau như: lỗi đánh máy, chính tả, tìm ra các số liệu bị nhập sai, nhập thiếu …
· Quản lý các chỉ số và dữ liệu: việc quản lý, theo dõi được thực hiện thông qua 2 file excel gồm:
+ File excel macro: do VFD hỗ trợ, chứa đựng 31 chỉ số đánh giá đã được xây dựng
+ File excel thông thường: do CIFOR hỗ trợ, chứa đựng những thông tin đã được làm sạch từ các cuộc phỏng vấn 240 hộ theo phương pháp PRA và các file word đánh giá, so sánh, đối chiếu, phân tích những số liệu đó.
· Phân tích, tổng hợp số liệu và báo cáo: Số liệu sạch sẽ giúp cho việc phân tích, trích xuất dữ liệu chính xác, hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng, tính thuyết phục của báo cáo.
Việc xây dựng bộ chỉ số theo dõi, giám sát và đánh giá, bước đầu đã giúp Quỹ BV&PTR tỉnh Sơn La hệ thống được toàn bộ quá trình vận hành để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, mỗi khâu thực hiện đều có những điều kiện thuận lợi, khó khăn nhất định, song Quỹ BV&PTR tỉnh Sơn La sẽ từng bước khắc phục, cải thiện, tiếp tục triển khai, vận hành hệ thống giám sát, đánh giá này trong thời gian tiếp theo với sự hỗ trợ của Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD), Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), dưới sự chỉ đạo, định hướng của Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ BV&PTR Việt Nam và UBND tỉnh Sơn La để đảm bảo quá trình thực thi chính sách trên địa bàn tỉnh Sơn La hiệu quả, minh bạch, đạt được các mục tiêu đã đề ra. Kết quả thí điểm tại Sơn La sẽ là cơ sở ban đầu để các địa phương khác tham khảo, nghiên cứu áp dụng, mở rộng trên cả nước.