Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, được sự đồng ý của UBND tỉnh Lào Cai, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo, hướng dẫn Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn lập Phương án cho thuê môi trường rừng nhằm khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, góp phần quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tài nguyên rừng đặc dụng.
Theo Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 13/4/2016 của UBND tỉnh Lào Cai, Phương án cho thuê môi trường rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn được xác định tổng diện tích cho thuê là 132 ha, gồm hai khu vực, trong đó khu vực 1 gồm điểm du lịch sinh thái đỉnh đèo Khau Co giáp ranh với huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), kết hợp dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng và nuôi cá hồi, cá tầm nước lạnh.
Khu vực 2 gồm hai tuyến du lịch sinh thái: Tuyến 1 nằm dọc theo suối Nậm Mu, du khách sẽ được đi bộ dưới tán rừng nguyên sinh Hoàng Liên với các cây cổ thụ quý hiếm hàng trăm tuổi như pơ mu, sến mật, giổi đá...và có cơ hội quan sát các loài thú quý hiếm thuộc bộ linh trưởng, các loài chim quý của Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn. Tuyến 2 là tuyến du lịch sinh thái Thác Bay ở khu vực xã Liêm Phú nơi có dòng thác đẹp nhất vùng Văn Bàn cùng phong cảnh thơ mộng của bản làng người Tày, người Dao dưới chân dãy Hoàng Liên hùng vỹ.
Theo Chi cục kiểm lâm tỉnh Lào Cai, Quyết định số1045/QĐ-UBND ngày 13/4/2016 của UBND tỉnh Lào Cai là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư từ các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thuê môi trường rừng nhằm phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản,... tạo thêm nguồn thu để tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên Hoàng Liên - Văn Bàn.
Được biết Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn được thành lập năm 2007 nằm ở địa phận xã Nậm Xé, xã Nậm Xây và một phần xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai).
Ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn còn nhiều diện tích rừng tự nhiên thuộc loại rừng kín thường xanh nhiệt đới núi thấp, rừng kín thường xanh nhiệt đới núi cao và cũng là nơi lưu giữ, cư trú của nhiều loài động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam và thế giới như Vượn đen tuyền, chim trèo cây lưng đen, cu li nhỏ, gỗ bách tán Đài Loan, gỗ pơ mu ...