Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh, đây là năm khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng bị thiệt hại nặng nề nhất kể từ nhiều năm trở lại đây do thời tiết khô hạn kéo dài.
Những vụ cháy lớn liên tục xảy ra, nhiều ha rừng bị cháy cùng một lúc, ở nhiều điểm khác nhau nên công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân cháy được cơ quan chức năng xác định là do kẻ xấu lén lút đốt rừng để trả thù do có mâu thuẫn giữa Ban quản lý rừng trong quá trình xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm trồng cây sai mục đích từ nhiều năm trước; đốt rừng để sang mùa mưa tái lấn chiếm làm nương rẫy.
Hầu hết các vụ đốt rừng đều có kế hoạch, tính toán trước trong khi lực lượng giữ rừng, phòng chống cháy rừng ít (khoảng 80 người, kể cả lực lượng tăng cường thêm khoảng 40 người), đảm nhiệm trên diện tích trên 33.000ha rừng rộng lớn. Khi xảy ra cháy, nhiều vụ không được phát hiện kịp thời, công tác chữa cháy ít phát huy hiệu quả.
Một nguyên nhân khác khiến khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng khó giữ được trọn vẹn trong mùa khô là có nhiều diện tích cao su, sắn, cây trồng khác trồng xen kẽ trong rừng. Nhiều người ra vào làm rẫy, sinh hoạt, đốt lửa, nên khó kiểm soát được.
Trước tình hình diện tích rừng phòng hộ bị cháy ngày càng nghiêm trọng, bên cạnh việc tăng cường thêm lực lượng giữ rừng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các huyện, xã có rừng cùng ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng; nghiêm cấm người lạ vào rừng lấy củi, săn bắt.
Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp Công an huyện Tân Biên điều tra, khoanh vùng đối tượng; đưa ra truy tố những đối tượng cố tình đốt phá rừng để răn đe, ngăn chặn những trường hợp phá hoại tài sản của Nhà nước.