Kon Tum: Tăng cường phòng chống cháy rừng mùa khô
29/03/2016
UBND tỉnh Kon Tum đã công bố thiên tai hạn hán cấp độ 1 trên địa bàn tỉnh. Trong buổi họp báo lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề ra các biện pháp chống hạn, cháy rừng: Để chủ động đối phó với tình hình hạn hán vụ đông xuân 2015-2016, ngay từ đầu vụ UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 2471/UBND-KTN ngày 22/10/2015; Kế hoạch số 2735/KH-UBND ngày 23/11/2015; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 01/03/2016; Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 22/12/2015 về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2015-2016; Phương án phòng cháy rừng mùa khô 2015-2016.
Theo Chi cục kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 01 Ban chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh 25 người; 10 Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng cấp huyện 245 người; 88 Ban chỉ huy cấp xã 1.755 người; 20 Ban chỉ huy chủ rừng 214 người; 749 tổ đội quần chúng 4.985 người. Các ban chỉ đạo, Ban chỉ huy, các tổ đội quần chúng đều có quy chế và kế hoạch hoạt động hàng năm. Ban chỉ đạo cấp tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, bộ phận giúp việc đặt tại Chi cục Kiểm lâm để giúp Ban chỉ đạo tỉnh thực hiện công tác BVR-PCCCR. Tại các đơn vị, địa phương đã củng cố, kiện toàn lực lượng PCCCR theo đúng quy định để thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Nam – Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Kon Tum cho biết: Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 5.326 dụng cụ thủ công chữa cháy (dao, xẻng, cào, bàn dập…); 383 máy móc cơ giới các loại (máy bơm, cưa xăng, máy cắt thực bì, máy thổi gió, bình bơm đeo vai…); 66 xe ôtô các loại và 1452 xe máy sẵn sàng huy động tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Diện tích rừng dễ cháy toàn tỉnh 159.757 ha (chiếm 26,4% đất có rừng), tập trung nhiều vào rừng tre nứa, lau lách, rừng khộp, rừng thông…Với cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn là cấp III, cấp IV và với tình hình thời tiết khô hanh, nắng nóng như hiện nay thì có nơi có thể lên đến cấp V.
Cũng qua tìm hiểu được biết, bên cạnh những “chủ rừng”, địa phương đã sớm triển khai các phương án đối phó với nguy cơ bùng phát cháy rừng thì vẫn còn không ít đơn vị “xem nhẹ” việc PCCR. Thực tế, trong những năm qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng, gây thiệt hại đáng kể cho các đơn vị. Qua đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do “chủ rừng” lơ là việc tuần tra, bảo vệ và PCCR…
Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng trong mùa khô năm nay, điều quan trọng là nếu các “chủ rừng” không được lơ là công tác tuần tra, luôn cảnh giác cao với “giặc lửa” nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra cháy rừng
Nguồn: tamnhin.net