Ước tính có hơn 8ha rừng bị thiệt hại, chủ yếu là rừng tái sinh, rừng nghèo (cọ, lau lách…) đang phục hồi sau vụ cháy từ năm 2010.
Đây là khu vực bìa rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên-Văn Bàn và là nơi có diện tích rừng tự nhiên, thảm thực vật phong phú.
Ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã có mặt tại hiện trường vụ cháy để chỉ đạo rút kinh nghiệm khắc phục hậu quả, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tuyệt đối không đốt nương mang lửa vào rừng.
Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn và các chủ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý người ra vào rừng; quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, các dụng cụ, phương tiện phát sinh nguồn lửa, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng lửa trong thời điểm khô hạn có khả năng gây cháy rừng.
Bên cạnh đó, cán bộ kiểm lâm bám sát địa bàn, nắm tình hình, tăng cường kiểm lâm địa bàn tại những vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; thường trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm bảo vệ rừng trong thời gian có nguy cơ cháy cao, phát hiện sớm các điểm cháy, kịp thời báo cáo, đề xuất xử lý những tình huống phức tạp xảy ra.
Vụ cháy rừng xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 7/3. Ngay sau khi vụ cháy rừng xảy ra, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên-Văn Bàn đã báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện Văn Bàn, huy động hơn 400 người dân hai xã Nậm Xé và Nậm Xây cùng với lực lượng dân quân các xã, bộ đội và kiểm lâm huyện khẩn trương ứng cứu dập lửa.
Tuy nhiên, do khu vực cháy rừng ở trên núi cao, có địa hình hiểm trở, gió Lào thổi mạnh nên việc chữa cháy rừng hết sức khó khăn, đám cháy tiếp tục lan rộng và ngoài khả năng sử dụng lực lượng tại chỗ của địa phương.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã thành lập tổ công tác vào hiện trường trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo công tác dập lửa, cứu rừng; đồng thời, yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh cử lực lượng và hệ thống kỹ thuật thông tin liên lạc đến tham gia ứng cứu, chữa cháy rừng.