Khánh Hòa là một trong những địa phương có thế mạnh về rừng với tổng diện tích tự nhiên 521.765,5ha. Trong đó, diện tích quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp 284.459,4ha; diện tích đất có rừng 212.903,7ha. Để tạo bước ngoặt trong chính sách đối với nghề rừng, tỉnh đã xây dựng, thông qua Đề án chi trả DVMTR; thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để làm đầu mối thực hiện việc thu và chi trả tiền DVMTR. Đây là động lực thúc đẩy thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Tuy chỉ mới chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8-2014, nhưng đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã có nhiều nỗ lực để thực hiện chính sách chi trả DVMTR.
Ông Đinh Ngọc Quang - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: “Đến nay, Quỹ đã ký hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR với 1 cơ sở sản xuất thủy điện, 7 cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, 5 cơ sở dịch vụ du lịch. Tính đến giữa tháng 1-2015, Quỹ đã thu được gần 1 tỷ đồng từ sử dụng DVMTR. Trong đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam điều tiết về 51 triệu đồng; thu từ các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch gần 492 triệu đồng, thu của các cơ sở dịch vụ du lịch hơn 455 triệu đồng”.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR vẫn còn một số khó khăn. Đáng chú ý là còn nhiều đơn vị chưa tiến hành ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hoặc chưa nộp tiền DVMTR theo quy định. Hiện vẫn còn 3 cơ sở sản xuất, cung ứng nước sạch và 3 doanh nghiệp du lịch vẫn chưa tiến hành ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR.
Trong đó, số tiền mà các đơn vị chưa nộp theo kế hoạch gần 5,3 tỷ đồng. Điều này đã ảnh hưởng đến việc chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng. “Bên cạnh những đơn vị thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR vẫn còn một số cơ sở tìm cách trì hoãn, né tránh trách nhiệm của mình, nhưng hiện nay vẫn chưa có chế tài xử phạt” - ông Quang nói.
Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR được xem là biện pháp để huy động tối đa nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát triển rừng; từng bước thực hiện xã hội hóa nghề rừng. Bên cạnh đó, giúp các địa phương miền núi xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống.
Ngoài ra, nguồn thu này còn giúp các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng có thêm kinh phí để tăng cường tuần tra, đầu tư các công trình lâm sinh, làm tốt công tác khoanh nuôi tái sinh rừng. Đây cũng là phương thức hỗ trợ giúp giảm bớt gánh nặng chi đối với nguồn ngân sách Nhà nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR cần phải được thực hiện nghiêm túc để đảm bảo lợi ích giữa các đơn vị sử dụng DVMTR với các đơn vị, cá nhân cung ứng DVMTR. Ngoài ra, cũng cần phải công bằng giữa các đơn vị sử dụng DVMTR, tránh trường hợp có đơn vị không nộp tiền.
Theo kế hoạch năm 2015, ngoài việc thu số tiền chưa thu được trong năm 2014 (gần 5,3 tỷ đồng), dự kiến tổng số thu từ các đơn vị sẽ có thêm khoảng 7 tỷ đồng. Trong đó, thu từ các cơ sở sản xuất thủy điện hơn 3,3 tỷ đồng, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch hơn 1,6 tỷ đồng, cơ sở dịch vụ du lịch hơn 2 tỷ đồng. Để thực hiện được kế hoạch này, lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chưa ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định.
Mới đây, tại cuộc họp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, ông Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chỉ đạo: Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cần tiếp tục đôn đốc các đơn vị chưa ký kết hợp đồng ủy thác, chưa nộp tiền DVMTR thực hiện nghĩa vụ của mình.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại những đối tượng phải nộp tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh để tiến hành ký kết hợp đồng và thu tiền nhằm tạo sự công bằng giữa các đơn vị. Khi tiến hành thu tiền DVMTR, nếu doanh nghiệp có thắc mắc thì phải phối hợp với các ngành có liên quan làm rõ các nội dung thu.