Ngày 14/11/2023, Hội thảo triển khai thí điểm phần mềm giám sát đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng diễn ra thành công tại Hà Nội với sự tham dự của các đại biểu đến từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng và Chi cục Kiểm lâm của 7 tỉnh (Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị).
Vào ngày 14/11/2023, tại Hà Nội, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam phối hợp với dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) đã tổ chức Hội thảo triển khai thí điểm phần mềm giám sát đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Ông Lê Văn Thanh - Phó giám đốc VNFF phát biểu tại hội thảo
Hội thảo được tổ chức với mục đích giới thiệu phần mềm giám sát đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng, từ đó thống nhất kế hoạch triển khai phần mềm tại 7 tỉnh thuộc vùng dự án (Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị).
Đến tham dự hội thảo, về phía cơ quan Trung ương có Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Ban quản lý Dự án VFBC, giảng viên. Về phía cơ quan địa phương, có đại diện lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh; Chi cục Kiểm lâm 7 tỉnh và các cơ quan liên quan khác.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được xem demo cách quản lý, sử dụng phần mềm cho từng chỉ số ứng dụng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến thảo luận, góp ý về phần mềm được các đại biểu đưa ra và đồng thuận về kế hoạch thí điểm sử dụng phần mềm cho giai đoạn sắp tới: (i) có sự phối hợp chặt chẽ giữa Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh với Chi cục Kiểm lâm, chủ rừng là tổ chức, UBND các xã phục vụ thu thập số liệu tương ứng với mỗi chỉ số; (ii) cử cán bộ đầu mối từ trung ương đến địa phương với sự hỗ trợ kỹ thuật từ dự án VFBC tham gia các lớp tập huấn kỹ năng (trực tiếp hoặc trực tuyến) và thực hiện các thao tác trên phần mềm trong giai đoạn thí điểm; (iii) phần mềm sẽ tiếp tục được hoàn thiện các chức năng trong quá trình thực hiện thí điểm đảm bảo tính hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu đưa ra.
Thực hiện giám sát đánh giá qua các chỉ số sẽ tạo ra bộ cơ sở dữ liệu tổng hợp, minh bạch, dễ truy cập giúp nâng cao tính hiệu quả trong quá trình thực hiện chính sách. Các chỉ số này sẽ là cơ sở để các cơ quan, đơn vị các cấp đặt ra mục tiêu, xây dựng và điều chỉnh kế hoạch hàng năm cho phù hợp.
Toàn thể đại biểu
Qua buổi hội thảo, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực lâm nghiệp trong bối cảnh số hóa đang ngày càng phát triển. Mong rằng trong giai đoạn thí điểm đến tháng 4 năm 2024, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo và sự nỗ lực của các cán bộ kỹ thuật Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh, hệ thống phần mềm giám sát đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ nhanh chóng được hoàn thiện với đầy đủ bộ chỉ số và ngày càng phát triển, giúp đưa ra những kết quả đánh giá hoàn chỉnh nhất.