Ngày 16 tháng 11 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (Nghị định 156/2018/NĐ-CP), có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai thực thi hiệu quả Luật Lâm nghiệp cũng như giúp tạo hành lang pháp lý thuận lợi về lâm nghiệp nói chung và dịch vụ môi trường rừng nói riêng.
Sau hơn 3 năm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP, một số khó khăn, vướng mắc đã nảy sinh, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi chính sách, như chưa có danh mục quy định cụ thể các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nguồn nước từ rừng; phạm vi xác định cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bên ngoài khu rừng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng; khó thực hiện chi trả trực tiếp đối với dịch vụ kinh doanh du lịch và nuôi trồng thủy sản tại địa phương; quy định điều phối tiền dịch vụ trong lưu vực liên tỉnh chưa hợp lý...
Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính, có thể tham gia thương mại hóa trong nước và quốc tế sau khi Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ và Ý định thư chuyển nhượng kết quả giảm phát thải vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên được ký kết, tuy nhiên cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về loại dịch vụ này.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan nêu trên về dịch vụ môi trường rừng nhằm bảo đảm tính phù hợp với tình hình thực tiễn và thông lệ quốc tế, góp phần phát triển nguồn thu tiềm năng từ dịch vụ môi trường rừng, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.
Xem nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP tại đây