Chiều ngày 22/10, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) cơ quan nhận ủy thác của Quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) ký kết Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Với Thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2e giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ để đối lấy 51,5 triệu USD từ Cơ quan nhận ủy thác của Quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp.
Ảnh: VNFF
Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam được thực hiện nhằm hỗ trợ cho bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết các nguyên nhân mất rừng ở vùng Bắc Trung Bộ, qua đó giảm phát thải do mất rừng, suy thoái rừng và tăng hấp thụ do phục hồi, tái tạo rừng. Vùng Bắc Trung Bộ được lựa chọn vì tầm quan trọng đặc biệt về đa dạng sinh học và tình hình kinh tế - xã hội. Toàn vùng có tổng diện tích tự nhiên khoảng 5,1 triệu héc-ta (chiếm 16% diện tích đất của cả nước).
Phát biểu tại buổi ký kết, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định, thực hiện Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung mới, góp phần đầu tư cho các hoạt động giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập cho chủ rừng; đồng thời hướng tới hình thành thị trường tín chỉ giảm phát thải trong nước và quốc tế; góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững khu vực 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.
Về phần mình, Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Thỏa thuận này đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới đối với Việt Nam trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững, qua đó giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu với khát vọng lớn.
Ảnh: VNFF
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á - Thái Bình Dương và là quốc gia thứ năm trên toàn cầu ký ERPA. Các Thỏa thuận Chi trả Giảm phát thải là công cụ mới nhằm khuyến khích quản lý đất đai bền vững ở quy mô lớn và giúp kết nối các quốc gia với các nguồn tài trợ khác về khí hậu. Đến nay, nguồn kinh phí cam kết đóng góp cho FCPF để chuẩn bị sẵn sàng và thực hiện chi trả cho dịch vụ giảm phát thải từ rừng đã lên tới 1,3 tỷ USD. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các nỗ lực đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn và tái tạo rừng với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững trên trái đất mà Việt Nam là quốc gia đi đầu./.