Chiều 17/6, tại thành phố Lào Cai, Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức lễ hưởng ứng Ngày thế giới chống sa mạc hóa (17/6) với sự tham dự của đại diện nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và đông đảo các sinh viên, thầy cô giáo Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai.
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết "Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, diện tích đất bị suy thoái chiếm 4% tổng diện tích tự nhiên của Việt Nam; diện tích đất có dấu hiệu suy thoái chiếm 7,3% diện tích tự nhiên và diện tích đất có nguy cơ suy thoái là chiếm tới 20,3%. Như vậy, diện tích đất có vấn đề cần được quan tâm của Việt Nam vào khoảng hơn 10 triệu ha chiếm đến 31% diện tích lãnh thổ đất liền. Đặc biệt, vùng Tây Bắc có tổng số 1,25 triệu ha đất đã và đang có nguy cơ bị suy thoái, tương đương với 33,8% tổng diện tích tự nhiên của vùng. Do đó, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu, cải tạo diện tích đất suy thoái và có nguy cơ suy thoái để bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực trong thời gian tới."
Với mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), Công ước về chống sa mạc hóa nêu rõ: "Đến năm 2030, chống sa mạc hóa, phục hồi đất và đất bị suy thoái, bao gồm cả đất bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa, hạn hán và lũ lụt, và phấn đấu đạt được một thế giới cân bằng thoái hóa đất". Vì vậy, mục tiêu chống sa mạc hóa đã trở thành động lực thúc đẩy quá trình thực hiện Công ước về chống sa mạc hóa, đồng thời góp phần vào các mục tiêu Phát triển bền vững khác (SDGs), bao gồm các vấn đề liên quan đến giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái, an ninh lương thực và nước, giảm nguy cơ thiên tai và đói nghèo. Suy thoái đất dẫn đến sa mạc hóa đe dọa sinh kế và an sinh của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Do đó, rừng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi các vùng đất khô hạn, ngăn chặn suy thoái đất.
Theo thống kê, năm 2017, Việt Nam đã trồng rừng mới được 235.028 ha (đạt 102,4% kế hoạch), chăm sóc rừng trồng đạt 528.895 ha, khoán bảo vệ rừng đạt 6.119,901 nghìn ha, khoanh nuôi tái sinh đạt 334.899 ha và trồng cây phân tán ước đạt 60.987 triệu cây. Tuy vậy, từ thực tế cho thấy, công tác bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng còn một số tồn tại cần khắc phục như: Diện tích rừng tuy có tăng nhưng chất lượng rừng và đa dạng sinh học rừng tự nhiên nhiều nơi vẫn tiếp tục bị suy giảm, ở một số nơi tình trạng cháy rừng vẫn diễn ra gay gắt; đóng góp của ngành lâm nghiệp đối với xoá đói giảm nghèo còn hạn chế, thu nhập của người làm nghề rừng còn thấp, chưa ổn định … Do vậy, một yêu cầu cấp bách là Việt Nam cần tiếp tục trồng cây, trồng rừng, phát triển rừng bền vững, góp phần chống suy thoái đất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.
Ngay sau lễ hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống sa mạc hóa, các đại biểu đã cùng tham gia trồng nhiều cây xanh tại khuôn viên Phân hiệu Trường Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai./.