Thúc đẩy quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
07/06/2016
Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp thừa uỷ quyền lãnh đạo Bộ chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam và một số chương trình, dự án, tổ chức phi chính phủ có liên quan. Hội thảo còn có sự tham dự của ông Ben Gunneberg, Tổng giám đốc Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng Châu Âu (PEFC), đại diện FAO khu vực Châu Á.
Theo báo cáo tại Hội thảo, dù đã có nhiều cơ chế, chính sách về quản lý rừng bền vững, tuy nhiên, hiện nay trên cả nước mới có 2,9 % diện tích rừng trồng và 2,34% diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng. Nguyên nhân là do việc đánh giá cấp chứng chỉ rừng ở Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào các chuyên gia quốc tế của tổ chức FSC ủy quyền với chi phí cao và không chủ động; chưa có bộ tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; chưa có các tổ chức đánh giá và chứng nhận trong nước được công nhận; hạn chế về nguồn nhân lực và kỹ năng, hệ thống tổ chức chưa chuyên nghiệp.
Trong quá trình thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, việc quản lý và sử dụng rừng phải đảm bảo hài hoà các lợi ích cả về kinh tế, xã hội và môi trường, cũng như việc đảm bảo tính minh bạch nguồn gốc xuất xứ, chuỗi hành trình sản phẩm phù hợp với các hiệp định quốc tế về thương mại gỗ và lâm sản cũng là những thách thức không nhỏ.
Từ nay đến năm 2020, ngành lâm nghiệp Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu thúc đẩy nhanh quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, bảo đảm sử dụng tài nguyên rừng bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Cụ thể, về hệ thống tổ chức, sẽ thiết lập hệ thống và mạng lưới về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng ở Việt Nam đủ sức để chủ động cho việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Đến năm 2020, ít nhất 500 nghìn ha rừng sản xuất có phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt và cấp chứng chỉ rừng.
Các giải pháp đã được đưa ra tại hội thảo bao gồm: ban hành Bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế phổ biến hiện hành; quy định về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục và nội dung đối với tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ rừng ở Việt Nam; các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Bên cạnh đó, các giải pháp khác cũng được đưa ra như: thành lập Hội đồng chứng chỉ rừng quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; liên kết với các tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế; nâng cao năng lực liên kết các chủ rừng để giảm chi phí đầu tư, liên kết các doanh nghiệp chế biến với chủ rừng trong quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng,…
Nguồn: http://tongcuclamnghiep.gov.vn