Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu rẻ và hiệu quả nhất
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng nhấn mạnh đến yêu cầu đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trong vai trò bảo vệ nguồn sống, nguồn sinh thái cũng như vị trí chủ chốt trong chủ trương ứng phó biến đổi khí hậu, giảm hiệu ứng nhà kính, nước biển dâng trong các cam kết quốc tế.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong kế hoạch 5 năm qua, Phó Thủ tướng biểu dương những điểm tích cực trong sản xuất lâm nghiệp, xuất khẩu sản phẩm lâm nghiệp chuyển dịch theo hướng thị trường, nuôi trồng cũng như bảo vệ rừng được đẩy mạnh với những mô hình, chính sách phù hợp, hiệu quả hơn.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, trong đó đáng chú ý là độ che phủ rừng chưa đạt, kết quả trồng rừng không đồng đều giữa các địa phương. Việc triển khai kiểm kê bằng số hóa thay cho đo đạc thủ công cho thấy có diện tích chênh lệch lớn như ở Tây Nguyên. Chất lượng rừng hiện cũng còn nhiều hạn chế, ví dụ rừng nghèo còn nhiều, giá trị thu nhập trên một ha rừng còn thấp, vẫn có mô hình đạt được 30-40 triệu/ha nhưng là mô hình rất đơn lẻ, đặc thù. "Rõ ràng đời sống của người trồng rừng chưa đạt được mục tiêu", Phó Thủ tướng lưu ý.
Chính vì vậy, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu mục tiêu chính của giai đoạn 2016-2020 chính là khắc phục những tồn tại, bất cập này. Một mặt, phải tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền về vai trò của rừng, vị trí của rừng đối với việc phát triển đất nước, phát triển bền vững.
"Vừa rồi nước ta bị xếp vào 7/20 nước bị tác động bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất. Quốc tế cũng chỉ ra giải pháp về trồng rừng để ứng phó biến đổi khí hậu là rẻ và hiệu quả nhất… Công tác tuyên truyền là hết sức quan trọng, giai đoạn 2016-2020 mà không chuyển đổi nhận thức thì diện tích rừng sẽ giảm tiếp. Vấn đề không chỉ là độ che phủ, mà còn là chất lượng rừng như thế nào", Phó Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu các địa phương quan tâm sâu sát việc này.
Kiểm soát chặt việc chuyển đổi đất rừng
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Thời gian tới, các địa phương có rừng tiếp tục rà soát quy hoạch và phấn đấu hoàn thành công tác kiểm kê về rừng vào cuối năm 2016. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất sang mục đích khác bởi nếu không kiểm soát chặt việc chuyển đổi này thì sẽ tiếp tục mất rừng.
Chú trọng kêu gọi xã hội đầu tư vào ngành lâm nghiệp bởi ngành này còn nhiều dư địa cho các doanh nghiệp vào đầu tư. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc trồng rừng, đặc biệt là nhiệm vụ trồng rừng ven biển, kè mềm chống biến đổi khí hậu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa chỉ tiêu hoàn thành đề án phát triển rừng bền vững trong nhiệm vụ kinh tế-xã hội để trình Thủ tướng phê duyệt.
Phó Thủ tướng đôn đốc 20 tỉnh, thành phố còn lại hoàn thành việc triển khai bản đồ số và kiểm kê rừng vào cuối năm 2016.
Về tổng thể, Phó Thủ tướng cho rằng cần huy động tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế thông qua các dự án về REDD+, các dự án khôi phục, phát triển các hệ sinh thái rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Rà soát các dự án bảo vệ và phát triển rừng theo hướng gắn kết thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Nâng cao chất lượng rừng trồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Kiên quyết xử lý nghiêm, xem xét thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế.
Tăng trưởng sản xuất so với giai đoạn trước
Theo tổng kết, 5 năm qua ngành lâm nghiệp đã duy trì đà tăng trưởng, đạt được nhiều thành tựu góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro, thiên tai. Độ che phủ của rừng tăng từ 39,7% năm 2011 lên 40,43% năm 2014, dự kiến năm 2015 đạt 40,73%.
Năng suất, chất lượng rừng từng bước được cải thiện, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ liên tục tăng nhanh, tăng mạnh qua các năm. Điều này góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu lao động, đặc biệt là các cộng đồng dân cư thôn bản, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân hằng năm tăng xấp xỉ hai lần so với giai đoạn 2006-2010, bình quân đạt 5,95%/năm, so với 3,1%/năm giai đoạn 2006-2010. Giá trị xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng xấp xỉ 1,5 lần trong vòng 4 năm, từ 4,2 tỉ USD năm 2011 lên 6,54 tỉ USD năm 2014, ước đạt khoảng 6,8-7 tỉ USD vào năm 2015. Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần so với giai đoạn 2006-2010.
Khoán bảo vệ rừng tăng lên 4,9 triệu ha/năm. Vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại. Cả nước đã trồng được 1.088.700 ha rừng tập trung, bình quân 217.740 ha/năm, đạt 87% kế hoạch, trong đó trên 90% là rừng sản xuất. Khoanh nuôi tái sinh bình quân 361.000 ha/năm, đạt 328% kế hoạch. Trồng 252,3 triệu cây phân tán, bình quân 50,5 triệu cây/năm, đạt 100,9% kế hoạch. Cải tạo 11.800 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt, bình quân 2.360 ha/năm, đạt 23,6% kế hoạch.
Sản lượng gỗ khai thác gỗ rừng trồng tăng gấp hơn 2,5 lần. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần kinh tế. Đến năm 2015, toàn quốc có khoảng 1-1,2 triệu hộ gia đình với khoảng 4,5-5 triệu lao động tham gia, trong đó các hộ nghèo, đồng bào dân tộc miền núi, vùng cao chiếm tỉ lệ lớn. Nhiều mô hình hiệu quả đã được xây dựng thành công.
Đặc biệt, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là thành tựu nổi bật trong 5 năm vừa qua, tổng số tiền thu từ DVMTR từ năm 2011 đến tháng 10/2015 là 5.015,97 tỉ đồng; bình quân mỗi năm thu trên 1.000 tỉ đồng. Số tiền này được chi trả cho các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn; bảo đảm mức thu nhập từ nguồn DVMTR từ 1,8-2 triệu đồng/hộ/năm; góp phần cải thiện sinh kế, tạo động lực, khuyến khích các chủ thể tham gia tích cực các hoạt động quản lý bảo vệ, phát triển rừng gắn với xây dựng nông thôn mới ở các vùng miền núi.
Bên cạnh đó, các ý kiến tham luận trong Hội nghị cũng tập trung chỉ ra một số điểm hạn chế đã đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần phải khắc phục của lĩnh vực lâm nghiệp 5 năm qua. Cụ thể là tăng trưởng chậm, chưa bền vững, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực, sức cạnh tranh còn thấp. Diện tích rừng tuy có tăng, nhưng năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của rừng còn thấp, sản phẩm từ rừng chủ yếu là sản phẩm gỗ nhỏ, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ còn thiếu, còn phụ thuộc vào nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu.
Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng còn gặp nhiều khó khăn. Phương thức tổ chức sản xuất chưa chặt chẽ, thiếu sự gắn kết giữa khâu trồng rừng, chế biến, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm lâm sản, sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, mang nặng tính tự phát. Thu nhập của người dân làm nghề rừng, đặc biệt là người dân miền núi còn thấp và nhiều người trong số họ chưa thể sống được bằng nghề rừng.
Công tác trồng rừng thay thế diện tích rừng mới đạt 32% tổng diện tích. Độ che phủ rừng toàn quốc không đạt so với mục tiêu đề ra. Dù đã giảm gần 10.000 vụ vi phạm phát luật về bảo vệ và phát triển rừng nhưng con số 26.265 vụ vẫn nói lên tình trạng đáng báo động về mức độ vi phạm. Tổng diện tích mất rừng trong 5 năm qua xấp xỉ 2%.