Ngành lâm nghiệp là một ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, an sinh xã hội và môi trường sinh thái. Hiện tại, ngành lâm nghiệp đang quản lý 16,24 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm khoảng ½ tổng diện tích lãnh thổ quốc gia, liên quan trực tiếp đến đời sống của trên 25 triệu đồng bào. Do vậy, việc phát triển rừng và quản lý rừng bền vững là mục tiêu, là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rừng, thúc đẩy quản lý rừng bền vững, xác lập lại quyền sử dụng tài nguyên rừng thông qua việc xã hội hóa nghề rừng. Từ năm 1995, diện tích rừng Việt Nam đã không ngừng tăng lên, đến năm 2009, độ che phủ đạt 39,1%; nhiều khu rừng phòng hộ và đặc dụng trong cả nước đã được thiết lập trên cơ sở quy hoạch chung của quốc gia đã giúp cho việc bảo vệ có hiệu quả rừng đầu nguồn, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, các loài thực vật, động vât rừng đó là kết quả của những chính sách đúng đắn của Nhà nước cho bảo vệ và phát triển rừng.
Tuy nhiên, ngành Lâm nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mới: nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tạo nên sức ép vào rừng ngày một tăng; diện tích rừng tuy có tăng nhưng chất lượng rừng chưa đáp ứng được yêu cầu; sức cạnh tranh của sản phẩm lâm nghiệp và thu hút đầu tư trong sản xuất lâm nghiệp còn thấp; những thay đổi của thị trường Châu Âu và Mỹ là những thị trường xuất khẩu chính của đồ gỗ Việt Nam ngày càng khắt khe hơn và vấn đề biến đổi khí hậu,
Thực tiễn cho thấy, nhiều chính sách lâm nghiệp đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và huy động các nguồn lực vào việc bảo vệ, phát triển rừng, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân vùng trung du và miền núi.
Tuy nhiên, cùng với việc phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, một số chính sách trong quá trình vận dụng vào thực tiễn đã bộc lộ những hạn chế, chưa thực sự phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, lại chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm điều chỉnh kịp thời những quan hệ đối với rừng và đất lâm nghiệp. Mặt khác, văn bản QPPL do nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và việc ban hành lại được thực hiện trong các hoàn cảnh, điều kiện, thời điểm khác nhau, do đó mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp giữa các văn bản là điều khó tránh khỏi và gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hứac Đức Nhị đưa ra quan điểm định hướng lớn trong phát tiển ngành lâm nghiệp: "Ngành lâm nghiệp phát triển trên cơ sở những giá trị cung cấp và giá trị môi trường của rừng. Rừng cần được bảo vệ và phát triển trước hết là vì bảo vệ môi trường, sau đó là để có thể lợi dụng tối đa các giá trị cung cấp trực tiếp của nó"