Ngày 11/6/2015, tại Bình Thuận, Tổng cục phối hợp với dự án UN - REDD Việt Nam giai đoạn II đã tổ chức Lễ Mít tinh kỷ niệm các ngày đa dạng sinh học (22/5); ngày môi trường thế giới (05/6), ngày quốc tế phòng chống sa mạc hóa (17/6). Tham dự Lễ Mít tinh có khoảng 250 đại biểu đại diện Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà, Gia Lai; đại diện UBND huyện Bắc Bình (Bình Thuận), giáo viên và hơn 100 e học sinh Trường Trung học cơ sở Bắc Bình. Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận tham dự và phát biểu khai mạc tại Lễ Mít tinh.
Ngày Thế giới Phòng chống sa mạc hóa năm nay có chủ đề “An ninh lương thực cho mọi người dựa trên nông nghiệp thông minh và đa dạng hóa nông nghiệp”, bên cạnh đó Liên hợp quốc cũng đưa ra lời kêu gọi cho ngày 17/6 "sẽ không có lương thực nếu không đầu tư cho đất".
Ngày quốc tế phòng chống sa mạc hóa ngoài ý nghĩa tăng nhận thức về những mối nguy hiểm và hậu quả của sa mạc hóa và hạn hán nó còn là cơ hội đưa ra những giải pháp thông qua những kế hoạch liên quan đến quản lý rừng, đất bền vững và những ảnh hưởng của sa mạc hóa và hạn hán có thể sẽ được giảm bớt và thậm chí được ngăn chặn.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 9 triệu hecta đất hoang hóa (chiếm khoảng 28% diện tích tự nhiên cả nước), trong đó diện tích đã và đang chịu tác động mạnh bởi sa mạc hóa khoảng 7.550.000 ha, bao gồm đất trống bị thoái hóa mạnh. Tác động của hạn hán, sa mạc hóa gây ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế - xã hội hết sức to lớn. Tại Đăk Lắk hiện có 50.000 ha cây trồng bị hư hại vì hạn hán, khoảng 20.000 hộ gia đình trong tình trạng thiếu nước phục vụ nhu cầu ăn uống và ước tính thiệt hại 1.600 tỷ đồng. Khu vực Tây nguyên và các tỉnh phía Đông miền Nam đã có 58.300 hecta cây trồng bị hư hại do hạn hán, chỉ riêng 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa đã có 44.000 hecta ruộng thiếu nước mùa hè thu. Mặc dù đang trong mùa mưa tuy nhiên từ đầu năm đến nay nhiều nơi ở miền Nam (Phan Rang-Ninh Thuận; Phú Quý-Bình Thuận; Cao Lãnh-Đồng Tháp; Châu Đốc-An Giang; Cần Thơ; Bạc Liêu) chưa có mưa. Hạn hán kéo dài còn ảnh hưởng đến tình trạng thiếu nước ngọt cho ăn, uống và nước biển xâm nhập sâu vào đất liền. Lúc này, tính từ các cửa sông Tiền, sông Hậu, nước biển đã xâm nhập sâu khoảng 40km. Trên hệ thống sông vàm cỏ nước biển đã xâm nhập sâu khoảng 80km.
Trong khi đó, rừng có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường sống của chúng ta, trong phát triển bền vững kinh tế xã hội; mất rừng đồng thời cũng mất đi khả năng tự bảo vệ của chúng ta trước những biến động của thiên nhiên, trước những thiên tai và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; mất rừng đồng nghĩa với việc tăng thoái hóa đất, gia tăng tác hại của hạn hán và gây nên hoang mạc hóa, sa mạc hóa. Tại buổi Mít tinh, Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp đã kêu gọi mọi tầng lớp mọi người dân hãy thể hiện hành động cụ thể chung tay bảo vệ rừng, phát triển rừng và cũng chính là để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu toàn cầu, phòng, chống sa mạc hóa, góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Lễ Mít tinh cũng là một hoạt động hửng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6/2015) với khẩu hiệu "Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm - vì một trái đất bền vững", và “Đa dạng sinh học cho phát triển bền vững” nhân ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học (22/5).