Tham dự Hội nghị có khoảng 120 đại biểu từ các cơ quan Trung ương: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam và đại diện 34 Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh.
Theo báo cáo tại Hội nghị, nguồn thu từ DVMTR giai đoạn 2009-2013 đạt gần 2.850 tỷ đồng. Đặc biệt trong 2 năm gần đây (2012, 2013) số thu có xu hướng tăng dần, trên 1.000 tỷ đồng/năm. Năm 2013, đã đạt 1.068 tỷ đồng trên toàn quốc. Theo báo cáo của các địa phương, tổng diện tích hưởng tiền DVMTR đã giao, khoán bảo vệ rừng đạt 3,653 triệu ha/4,18 triệu ha diện tích rừng trong các lưu vực có cung ứng DVMTR. Trong hai năm 2012, 2013, mức chi trả tiền DVMTR bình quân của toàn quốc đều đạt trên 200.000 đ/ha, đặc biệt tại một số tỉnh có mức chi trả bình quân đạt rất cao như Lâm Đồng (350.000 đ/ha), Lai Châu (289.500 đ/ha) và Kon Tum (362.000 đ/ha).
Mặc dù đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng trong quá trình thực thi chính sách còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, đó là: một số Quỹ BV&PTR cấp tỉnh chưa đi vào vận hành đầy đủ, tình hình chấp hành thu nộp của một số đơn vị sử dụng DVMTR còn chưa kịp thời và nợ đọng kéo dài, giải ngân tới các chủ rừng còn chậm và đạt tỷ lệ chưa cao, việc rà soát, xác định chủ rừng, lập hồ sơ quản lý phục vụ chi trả DVMTR còn chậm hoàn thành ở một số địa phương,...
Trong năm 2014, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu là “đốc thu”, giải ngân và hoàn thiện cơ chế chính sách hướng về địa phương, cơ sở./.