Tổng hợp kết quả rà soát tình hình ở các địa phương, diện tích rừng phải thay thế từ việc xây dựng các công trình thủy điện là gần 18.000 ha, đến nay trồng rừng thay thế đạt trên 51%, các dự án chuyển sang mục đích kinh doanh là 20.000 ha, trồng thay thế được 22%, các dự án chuyển sang mục đích xây dựng công cộng trên 30.000 ha, trồng thay thế đạt 8,2%, các dự án khác 50.000 ha, trồng thay thế đạt 13,7%.
Tổng số tiền do chủ dự án nộp về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng đến nay đạt 262 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được 68,5 tỷ đồng.
Các địa phương đạt kết quả tích cực trong trồng rừng thay thế gồm: Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An. Các địa phương phải trồng rừng thay thế với diện tích lớn, nhưng triển khai chậm, kết quả còn thấp là Cao Bằng, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Một trong những nguyên nhân chính của việc trồng rừng thay thế đạt thấp, đặc biệt là ở các công trình công cộng là các địa phương chưa chủ động bố trí vốn NSNN để thực hiện. Nhiều chủ dự án không chủ động trong xây dựng phương án trồng rừng thay thế cũng như thực hiện nộp tiền.
Một thực tế là có dự án đã tiến hành chuyển mục đích sử dụng rừng đã lâu, từ năm 2006, 2007 và cũng đã hoàn thành dự án đầu tư và chuyển giao cho đơn vị khác tiếp quản, thậm chí nhiều ban quản lý dự án đã giải thể, nhiều chủ đầu tư không bố trí được kinh phí để trồng rừng thay thế do trước đây không xây dựng dự toán cho dự án đầu tư.
Cuộc họp còn thảo luận thêm những giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng chậm trễ và nhiều nơi còn coi nhẹ công việc quan trọng của chủ trương bảo vệ và phát triển rừng này.