Ngày 22/01/2016, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 111/QĐ-UBND ban hành Quy định thí điểm về nuôi tôm-rừng có chứng nhận quốc tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo đó, Quy định này quy định về các hoạt động nuôi tôm rừng tại Cà Mai theo các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế; các điều kiện để thực hiện việc nuôi tôm-rừng có chứng nhận quốc tế, nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của các bên liên quan; được áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là chủ rừng, các doanh nghiệp thủy sản...
Ngoài ra, Quy định cũng đề cập đến việc nuôi tôm-rừng có chứng nhận quốc tế liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR): “Tôm có chứng nhận quốc tế là tôm nuôi trong môi trường rừng ngập mặn. Các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng, đầu tư nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế trong môi trường rừng và tổ chức chủ rừng là bên cung ứng DVMTR. Doanh nghiệp thủy sản mua tôm nuôi trong môi trường rừng là bên sử dụng DVMTR, phải chi trả tiền DVMTR theo quy định tại Nghị định 99 của Chính phủ theo hình thức chi trả trực tiếp.
Doanh nghiệp thủy sản chi trả tiền DVMTR với mức bình quân đối với hộ dân tối thiểu 500.000 đồng/ha/năm cho diện tích có rừng ngập mặn trong hợp đồng khoán bảo vệ rừng giữa tổ chức chủ rừng và hộ dân, hoặc cập nhật chính thức của tổ chức chủ rừng. Hộ dân được nhận tiền DVMTR sau khi đã bán cho doanh nghiệp tối thiểu 40kg tôm đạt tiêu chuẩn quốc tế trên 1 ha trên tổng diện tích được khoán, bao gồm cả rừng và mặt nước.
Mức chi trả tiền DVMTR bình quân đối với tổ chức chủ rừng tối thiểu là 1.000 đồng/kg tôm đạt tiêu chuẩn quốc tế mà doanh nghiệp đã thu mua của hộ dân.
Doanh nghiệp thủy sản chi trả tiền DVMTR 2 lần/năm, lần đầu vào giữa tháng 6 sau khi đã mua đc tối thiểu 20kg tôm và lần hai vào giữ tháng 12 sau khi đã mua đủ tối thiểu 40kg tôm”
Bên cạnh đó, Quy định cũng nêu rõ nội dung, thể thức xây dựng hợp đồng giữa doanh nghiệp thủy sản với tổ chức chủ rừng và hộ dân nuôi tôm-rừng có chứng nhận quốc tế và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các bên có liên quan nhằm tạo ra cơ chế mới trong quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững rừng ngập mặn và hệ sinh thái đất ngập nước có sự tham gia của cộng đồng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chi tiết văn bản xem tại đây: data/XFinder/files/News/111QD.pdf