Ngày 09/5, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam tổ chức Hội nghị “Sơ kết công tác 4 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng”. Hội nghị do ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam chủ trì.

Hội nghị có sự tham dự của 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Sở ban ngành, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, các cơ quan, đơn vị liên quan của hơn 40 địa phương trong cả nước.
Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết kết quả thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong năm 2024, có cái nhìn toàn diện và đánh giá khách quan, từ đó đưa ra định hướng, giải pháp phù hợp cho 08 tháng cuối năm 2025, biến thách thức thành cơ hội phát triển.
Năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới mô hình phát triển xanh, bền vững và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, ngành lâm nghiệp cũng không đứng ngoài xu thế đó. Ngành lâm nghiệp đang tích cực triển khai nhiều cơ chế tài chính sáng tạo, trong đó nổi bật là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và các chương trình giảm phát thải khí nhà kính từ rừng.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục khẳng định là một công cụ tài chính bền vững, hiệu quả trong lĩnh vực lâm nghiệp, góp phần huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2024, tổng thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng trên phạm vi toàn quốc đạt hơn 3.769 tỷ đồng và thu 4 tháng đầu năm 2025 là hơn 1.269 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024, thể hiện rõ sự đồng thuận và sự tham gia ngày càng tích cực của các bên.
Nguồn thu này không chỉ góp phần duy trì bảo vệ 7,45 triệu ha, chiếm 53,53% tổng diện tích rừng toàn quốc mà với việc quản lý, sử dụng tiền đảm bảo đầy đủ, đúng đối tượng, minh bạch, kịp thời, chủ yếu qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch điện tử, nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng còn giúp bổ sung kinh phí hoạt động cho chủ rừng là tổ chức, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, thôn bản sống gần rừng ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, từ tạo ra sự gắn bó giữa người dân với rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế rừng bền vững.
Đặc biệt, việc thực hiện thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ theo quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP đã đạt được một số kết quả bước đầu tích cực, với trên 2,15 triệu ha rừng tự nhiên và hơn 68.900 đối tượng được hưởng lợi từ nguồn tiền này. Cuối năm nay, chúng ta sẽ tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thí điểm, đưa ra bài học kinh nghiệm và cũng là cơ sở quan trọng giúp thể chế hóa dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện chính sách năm vừa qua và 4 tháng đầu năm 2025. Đồng thời, Cục trưởng cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần triển khai thời gian tới trong bối cảnh đất nước đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung toàn diện văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực lâm nghiệp nói chung và chi trả dịch vụ môi trường rừng nói riêng như Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, xây dựng Nghị định Quy định xử lý một số vấn đề liên quan đến phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp… Bên cạnh đó, việc hướng dẫn, làm rõ, tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách tại địa phương cũng cần sớm ban hành văn bản, góp phần tăng tính hiệu lực, hiệu quả và phù hợp của chính sách với tình hình thực tiễn và yêu cầu mới.
Ngoài ra, cũng cần thúc đẩy thể chế hóa dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng thông qua việc xây dựng Nghị định về các-bon rừng tại Việt Nam – một cơ chế pháp lý, tạo nền tảng cho việc huy động nguồn lực từ thị trường các-bon trong nước và quốc tế để mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, có thêm nguồn lực tài chính bền vững hỗ trợ công tác bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập cho người dân và tiến tới phát triển lâm nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.