Vừa qua, vào hai ngày 12-13/12, tại Vĩnh Phúc, hoạt động tập huấn về phát thải khí nhà kính và thị trường giao dịch các-bon nội địa (viết tắt là ETS) đã được diễn ra trong khuôn khổ của dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC).
Ông Abraham Guillen - Giám đốc hợp phần quản lý rừng bền vững phát biểu
Tại buổi tập huấn, giảng viên đã cung cấp cho các học viên những kiến thức cơ bản về khái niệm liên quan đến biến đổi khí hậu, khí nhà kính, định giá các-bon, phân bổ hạn ngạch, cơ chế giao dịch và một số vấn đề ban đầu về thị trường các-bon trong nước theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn. Bên cạnh đó, học viên còn được tham gia trải nghiệm thực hành giao dịch trao đổi, mua bán hạn ngạch thải thải và tín chỉ các-bon bù trừ trên sàn giao dịch mô phỏng dưới sự hướng dẫn của chuyên gia quốc tế về lĩnh vực thị trường giao dịch các-bon của Hoa Kỳ.
Học viên thực hành trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải, tín chỉ bù trừ trên sàn giao dịch ảo
Từ khi Việt Nam có cam kết mạnh mẽ tại COP 26 đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 thì những thuật ngữ, nội dung về tín chỉ, thị trường các-bon hay các-bon rừng đã nhận được nhiều sự quan tâm của các bên liên quan, tuy nhiên điều này vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Luật Lâm nghiệp 2017 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả cho loại dịch vụ môi trường rừng là dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; Trong thời gian tới, khi Nghị định thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp có nội dung quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng được ban hành sẽ là những căn cứ pháp lý rất quan trọng để có thể hiện thực hóa những giá trị tiềm năng lớn của rừng mang lại mà trước đây chưa làm được, đồng thời giúp ngành lâm nghiệp trở thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế xanh quốc gia.
Chia sẻ tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết “Tham gia vào khóa tập huấn, chúng ta mới giật mình thấy rằng thị trường các-bon quốc tế đã rất sôi động, tuy nhiên Việt Nam đang ở giai đoạn bắt đầu hình thành và chuẩn bị nên những cuộc tập huấn như này rất cần thiết vì đã cung cấp những kiến thức cơ bản về thị trường các-bon, hạn ngạch, tín chỉ các-bon, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc giảm phát thải trong giai đoạn hiện nay cho các bên liên quan. Thành phần tham gia khóa tập huấn của Lào Cai gồm 10 doanh nghiệp phát thải lớn nhất, 10 chủ rừng lớn nhất cùng với đại diện cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm - đây sẽ là đội ngũ cán bộ nòng cốt tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng Đề án giảm phát thải các-bon tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến 2030. Trong đề án này, tỉnh Lào Cai đặt trọng tâm là thị trường các-bon nội địa, tức là trước mắt cân bằng nội địa. Hiện nay trên tỉnh Lào Cai có 10 doanh nghiệp phát thải lớn, trên 600.000 tấn/năm và sẽ còn tiếp tục tăng vì thế chúng tôi rất quan tâm đến khả năng phát triển thị trường các-bon.”
Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Khang Ninh, phụ trách Quan hệ chính phủ của Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương có bày tỏ suy nghĩ “Khóa tập huấn rất bổ ích với nhiều thông tin mới đối với doanh nghiệp, là cơ hội để doanh nghiệp học hỏi, nắm được các thông tin về mặt chính sách cũng như thông tin liên quan đến thị trường giao dịch các-bon. Chúng ta đều hiểu rằng, việc yêu cầu hạn ngạch phát thải để Chính phủ có thể đạt được mục tiêu về giảm phát thải sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tài chính của doanh nghiệp. Chính phủ đã có Nghị định 06, tuy nhiên chúng tôi rất cần có thêm hướng dẫn chi tiết hơn nữa để doanh nghiệp hiểu rõ hơn. Doanh nghiệp sẵn sàng tuân thủ các yêu cầu của pháp luật với mong muốn việc vận hành thị trường các-bon phải đảm bảo sự minh bạch và công bằng. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm các khóa học tương tự và chuyên sâu hơn nữa để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường các-bon, giúp các doanh nghiệp như chúng tôi đảm bảo tuân thủ tốt quy định của pháp luật trong tương lai”.
Lớp tập huấn được tổ chức đã kịp thời giúp các đơn vị, các bên tiếp cận, hiểu hơn về vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong cơ chế thương mại các-bon, hạn ngạch phát thải, tín chỉ bù trừ trong lĩnh vực lâm nghiệp, đóng góp vào nỗ lực chung giảm phát thải khí nhà kính của cả nước.
Lớp tập huấn thu hút sự tham gia của hơn 130 học viên là những đại diện lãnh đạo, cán bộ nhân viên đến từ các đơn vị quản lý nhà nước và doanh nghiệp như Tổng cục Lâm nghiệp, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, các doanh nghiệp phát thải khí nhà kính lớn của tỉnh Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Quảng Ninh, Nghệ An và một số chuyên gia, tư vấn lâm nghiệp.