Ngày 30/3, ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, giám đốc Quỹ BV&PTR Việt Nam có buổi làm việc với Quỹ BV&PTR tỉnh Thừa Thiên Huế để nắm bắt, tìm hiểu về tình hình triển khai chi trả DVMTR thông qua tài khoản tại địa phương.
Qua buổi trao đổi, Phó tổng cục trưởng Nguyễn Bá Ngãi đánh giá cao việc thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng tại Huế, ông nhận định đây là hình thức chi trả rất hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo tính công khai, minh bạch, an toàn cho Quỹ khi đi chi trả cũng như cho chủ rừng khi nhận tiền DVMTR. Đây sẽ là tư liệu hữu ích, làm căn cứ giải trình để Tổng cục Lâm nghiệp nghiên cứu, tham mưu Bộ NN&PTNT đưa nội dung này vào Nghị định hướng dẫn Luật Lâm nghiệp. Ông Nguyễn Bá Ngãi cũng đề nghị Quỹ BV&PTR tỉnh Thừa Thiên Huế tài liệu hóa nội dung này thành cuốn cẩm nang, sổ tay chia sẻ kinh nghiệm đến các địa phương khác cùng tham khảo, học tập cách triển khai.
Làm việc với người dân huyện Phong Điền
Cùng ngày, đoàn công tác đã đi thực địa và có buổi gặp gỡ, trao đổi với người dân thôn Tân Lập, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền đang tham gia quản lý rừng cộng đồng có hưởng tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng. Tại đây, đại diện cộng đồng chia sẻ rằng tiền DVMTR bà con nhận được những năm qua đã có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao ý thức về bảo vệ rừng, bà con không những có tiền để đi bảo vệ rừng mà còn có tiền để sinh hoạt cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, người dân cũng chia sẻ thêm rằng việc sử dụng tiền tại thôn thông qua ngân hàng được an toàn hơn, tiền được sử dụng theo kế hoạch, việc rút tiền được giám sát khi tài khoản được đăng ký đồng sở hữu tài khoản. Hơn nữa, họ cũng được Quỹ BV&PTR tỉnh Thừa Thiên Huế tập huấn về quy chế sử dụng tiền DVMTR cấp thôn, bản, biết cách sử dụng nguồn tiền này như thế nào hợp lý và hiệu quả nhất.
Thực tế tại Thừa Thiên Huế đã cho thấy việc thực hiện chi trả tiền DVMTR thông qua tài khoản ngân hàng được người dân, cộng đồng tại địa phương ủng hộ cao, họ nhận thức được tính hiệu quả, an toàn, tiện lợi cho các bên khi áp dụng công nghệ hiện đại vào việc chi trả. Đây là mô hình điển hình để các địa phương khác có thể đến tham quan, học hỏi, tiến tới ngày càng có nhiều tỉnh trên cả nước áp dụng cách làm này trong chi trả tiền DVMTR cho người dân. Đến năm 2019, khi Nghị định hướng dẫn Luật Lâm nghiệp có hiệu lực, có đề cập và quy định nội dung này thì các tỉnh có thể sẵn sàng và triển khai nhanh chóng hơn.