Ngày 29/3/2018, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (VNFF) phối hợp với Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD), Dự án Trường Sơn Xanh tổ chức cuộc họp về hoạt động nghiên cứu thí điểm chi trả dịch vụ môi trường (DVMTR) rừng về hấp thụ và lưu trữ các - bon rừng nhằm (i) tham vấn ý kiến và đề xuất định hướng cho báo cáo nghiên cứu khả thi về chi trả DVMTR trong hấp thụ và lưu giữ Các-bon (C-PFES) của nhóm tư vấn do Dự án Trường Sơn Xanh tài trợ; (ii) chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức, các nhân về các thị trường các - bon; (iii) giới thiệu công cụ về ước tính lượng các bon hấp thụ bởi một hoạt động lâm nghiệp; (iv) thảo luận về cánh tính toán lượng các - bon được hấp thụ khi có chi trả DVMTR và cách thức áp dụng ở Việt Nam.
Tới tham dự và chủ trì cuộc họp có ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp kiêm giám đốc VNFF. Bên cạnh đó, cuộc họp còn có sự tham gia của đại diện đến từ các tổ chức quốc tế và nhiều bên quan tâm như: Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp thế giới (ICRAF), UNDP; Dự án Jica; Viện Sinh thái rừng và Môi trường; Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature); Hội chủ rừng; Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa.
Đại diện nhóm tư vấn trình bày báo cáo
Tại cuộc họp, nhóm tư vấn đã trình bày báo cáo nghiên cứu khả thi xác định cơ hội, thách thức và đề xuất các bước tiếp theo để áp dụng chi trả dịch vụ các-bon ở Việt Nam. Theo đó, sau khi thực hiện khảo sát thực địa, nhóm tư vấn đã đưa ra những đánh giá, nhận định ban đầu về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn cho chi trả cac-bon DVMTR, các đối tượng phải chi trả là các đối tượng phát thải lớn ở Việt Nam mà theo nhóm tư vấn thì phát thải CO2 có liên quan đến C-PFES chiếm hơn 99% tổng lượng phát thải CO2 tại Việt Nam(156.969,3 ktCO2e) chủ yếu từ nhiệt điện, xi măng, thép và vận chuyển (giao thông). Ngoài ra, trên cơ sở tham khảo, xem xét kinh nghiệm quốc tế (Hoa Kỳ, CostaRica, Colombia...), nhóm tư vấn đưa ra bức tranh tổng quan về chi trả C-PFES và đề xuất công thức tính mức chi trả cũng như những thách thức đối với từng lĩnh vực (nhiệt điện, xi măng, thép và giao thông vận tải). Bên cạnh đó, các kịch bản sử dụng nguồn thu từ C-PFES, các phương án đầu tư từ nguồn C-PFES cũng được nêu ra, trong đó theo nhóm tư vấn, 4 lựa chọn được đề xuất để đầu tư bằng nguồn C-PFES theo thứ tự ưu tiên bao gồm: (i) phục hồi rừng tự nhiên, làm giàu rừng và trồng rừng (cả rừng ven biển và rừng nội địa); (ii) trồng rừng gỗ lớn, chu kỳ dài, trồng cây phân tán; (iii) phát triển các hệ thống nông lâm kết hợp; và (iv) bảo vệ rừng tự nhiên (mô hình PFES hiện hành).
Nhóm tư vấn cho rằng, nghiên cứu khả thi này đưa ra một bức tranh tổng quát về việc xác định các cơ hội và thách thức đối với C-PFES cũng như các định hướng để chuẩn bị cho chương trình thực hiện C-PFES. Mặc dù nghiên cứu này chưa thể đưa ra một công thức cụ thể hoặc các hướng dẫn chi tiết để xác định mức thu đối với các đối tượng phát thải lớn cũng như việc huy động nguồn thu và sử dụng các nguồn thu, song kết quả này bước đầu đã nhận được sự ủng hộ của VNFF và các đối tác liên quan. Thời gian tới, để thực hiện C-PFES mà bước đầu là thí điểm, đòi hỏi cần thêm nhiều cuộc tham vấn trong Bộ NN&PTNT, Chính phủ và các cơ quan Bộ ngành khác.
Sau khi nghe nội dung báo cáo, Ông Nguyễn Bá Ngãi- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, giám đốc VNFF cùng các bên liên quan đánh giá cao nội dung báo cáo của nhóm tư vấn. Ông khẳng định, các kết quả báo cáo này là cần thiết, bước đầu định hướng giúp VNFF và các bên liên quan triển khai các bước tiếp theo trong quá trình thực hiện thí điểm dịch vụ C-PFES tại Việt Nam, tiến tới từng bước thể chế hóa được loại dịch vụ C-PFES trong lộ trình xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, trước tiên, cần thống nhất về khái niệm chi trả DVMTR đối với C-PFES tại Việt Nam, làm rõ đây không phải là thuế hoặc phí (không trùng lặp với thuế bảo vệ môi trường), chi trả dịch vụ C-PFES có thuộc cam kết của Chính phủ hay không ? Trong thời gian tới, VNFF cần tiếp tục có sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ VFD; Dự án Trường Sơn Xanh, các nhà tài trợ, các chương trình khác cho các hoạt động cụ thể để có thêm nghiên cứu về công cụ lượng giá các – bon tốt nhất, đủ cơ sở thuyết phục các bên cùng tham gia triển khai thí điểm tại địa phương trước khi nhân rộng trên cả nước.