Ngày 01 tháng 3 năm 2017, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), một số đơn vị tổ chức Hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu về Định giá rừng, Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo có 60 đại biểu đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT; Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hòa Bình; một số chuyên gia, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự.
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe các báo cáo: Báo cáo kết quả nghiên cứu về định giá rừng do TS. Vũ Tấn Phương, Viện Khoa học Lâm nghiệp trình bày; Báo cáo trình bày một số kinh nghiệm quốc tế trong định giá rừng do TS. Phạm Thu Thủy, Tổ chức CIFOR trình bày; Báo cáo một số nội dung trọng tâm về định giá rừng đưa vào Luật Lâm nghiệp do Ông Trần Ngọc Bình, Chuyên viên chính Vụ Kế hoạch, Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp trình bày.
Hội thảo cũng đã nghe 10 ý kiến góp ý của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vườn Quốc gia Ba Vì, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình; một số Vụ thuộc Tổng cục Lâm nghiệp; đại diện các tổ chức tại Việt Nam, trong đó tập trung các nội dung: Cần phân biệt rõ Giá rừng và Giá trị của rừng; Nhu cầu về định giá rừng là rất lớn phục vụ cho công tác giao đất, giao rừng, khoán rừng và công tác quản lý điều hành của ngành Lâm nghiệp; Giá trị của rừng phụ thuộc vào loại rừng, vị trí, chủ thể quản lý, đất đai, cảnh quan, văn hóa, tâm linh,...; Đối với xác định giá trị của rừng tự nhiên nên xem xét do rừng tự nhiên là tài nguyên; nên gắn giá trị của rừng và đất; Cần xây dựng hồ sơ, lịch sử lô rừng để quản lý và phục vụ công tác điều tra, tính toán; Việc tính toán giá trị của rừng cần được tính toán thêm vai trò đối với sản xuất nông nghiệp (cung cấp nước cho trồng trọt,...); rừng gắn với sinh kế của người dân, khi mất rừng có ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân, do đó cần tính toán đến giá trị mất đi đó; Hiện tại các phương pháp định giá rừng mới xác định được giá trị trực tiếp của rừng (giá trị gỗ và lâm sản); chưa xác định được giá trị gián tiếp của rừng; Việc xác định giá trị của rừng và giá cho thuê rừng chưa chặt chẽ; Khi xác định giá trị gián tiếp của rừng nên xác định được hệ số K để áp dụng tính toán; Xây dựng các phương pháp tính toán đơn giản để dễ áp dụng.
Bên cạnh đó, việc triển khai định giá rừng ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến định giá rừng; không ưu tiên các nguồn lực kinh phí cho công tác định giá rừng; năng lực cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu về định giá rừng; một số địa phương công bố giá trị của rừng nhưng chưa phù hợp.
Ngoài ra, các ý kiến đã thảo luận thống nhất những nội dung đưa vào dự thảo Luật Lâm nghiệp mới như: Tổng giá trị kinh tế của rừng (bao gồm cả giá trị trực tiếp và giá trị gián tiếp hay còn gọi là giá trị lâm sản và giá trị phi lâm sản); Xem xét đến phương pháp đấu giá rừng, trong khi cũng đã có các quy định về đấu giá; Hồ sơ thủ tục, cơ chế sẽ bị ràng buộc và làm khó các đơn vị doanh nghiệp, sẽ không thu hút được nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát triển rừng;
Tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Văn Hà đã nhấn mạnh: Hội thảo đã thống nhất được thuật ngữ chung về “giá trị của rừng”, kết quả nghiên cứu đã bước đầu đánh giá được thực trạng định giá rừng ở Việt Nam, những khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện; Đề xuất được một số nội dung đưa vào Luật Lâm nghiệp mới. Định giá rừng là vấn đề quan trọng của ngành, trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, tham vấn về định giá rừng, tổng kết về định giá rừng, đánh giá những mặt đạt được, những khó khăn khi triển khai, so sánh đánh giá các phương pháp định giá rừng, tham chiếu với các phương pháp của quốc tế để lựa chọn những phương pháp phù hợp áp dụng tại Việt Nam. Theo đó, Vụ Kế hoạch, Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ làm đầu mối phối hợp với các đơn vị chuẩn bị tổ chức hội thảo trong đó mời các cơ quan, đơn vị, tổ chức, chuyên gia về định giá rừng, nội dung tập trung vào tổng kết, đánh giá Nghị định số 48/2007/NĐ-CP ngày 28/3/2007 của Chính phủ về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng; Thông tư số 65/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 26/5/2008 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2007/NĐ-CP; đánh giá được những địa phương làm được, những khó khăn, bài học kinh nghiệm; bàn về việc xác định các phương pháp định giá rừng áp dụng ở Việt Nam, trong đó tập trung vào giá trị gián tiếp của rừng.