Mục tiêu của Hội thảo nhằm xác định tầm quan trọng, sự cần thiết của Chương trình điều tra, theo dõi tài nguyên rừng quốc gia cũng như việc tiếp tục thực hiện Chương trình này; phân định rõ sự khác biệt về nội dung, phương pháp và thành quả của Chương trình điều tra, theo dõi tài nguyên rừng quốc gia cũng như Dự án điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc.
Theo đánh giá tại Hội thảo, Chương trình điều tra, theo dõi tài nguyên rừng quốc gia rất cần thiết nhằm phục vụ các mục tiêu như: theo dõi số lượng và chất lượng rừng, diễn biến đa dạng sịnh học, triển khai thực hiện, giám sát kết quả thực hiện REDD+, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng,… làm cơ sở cho hoạch định các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý lâm nghiệp quốc gia, khu vực và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Văn Hà chỉ đạo Viện Điều tra Quy hoạch rừng cần hoàn thiện văn kiện Chương trình điều tra theo dõi tài nguyên rừng quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời đề nghị Viện tiếp tục nghiên cứu và đề xuất đưa vào dự án Luật Lâm nghiệp các quy định, yêu cầu bắt buộc phải tiến thành thực hiện Chương trình điều tra, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng quốc gia thường xuyên và lâu dài.