Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh và chuyển hoá rừng trồng kinh doanh gỗ lớn
05/07/2016
Dự án khuyến nông trung ương “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn (Keo lai, Keo tai tượng) và chuyển hoá rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn” được thực hiện tại 6 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Quảng Trị, Yên Bái và Cà Mau. Qua hơn 2 năm thực hiện, đã có 450 ha mô hình trồng rừng gỗ lớn, 235 ha mô hình chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, 120 ha rừng trồng chăm sóc năm thứ 2 và 69 lớp tập huấn, hội thảo với 2.335 lượt người tham gia.
Theo đánh giá, hiệu quả kinh tế của mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đều cao hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, giá trị thu được dự tính cao gấp 2 – 3 lần. Cụ thể, với trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, 01 chu kỳ có thể đạt năng suất 200 – 250 m3 ha, người trồng rừng sẽ thu khoảng 25 – 30 triệu đồng/ha/năm. Đối với mô hình chuyển hoá rừng, năng suất đạt 150 – 200 m3/ha/chu kỳ, sẽ thu khoảng 20 - 25 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, đối với trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ, người trồng rừng sẽ chỉ thu bình quân 10 – 15 triệu đồng/ha/năm.
Mặc dù thời gian thực hiện mô hình ngắn, nhưng với các kết quả triển vọng như trên, cũng đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân trong việc trồng rừng kinh doanh gỗ lớn. Tuy nhiên, mô hình vẫn cần tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả cụ thể.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hà Công Tuấn chỉ đạo cần bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung của Dự án để triển khai có hiệu quả trong 6 tháng cuối năm, tăng cường tuyên truyền, nhân rộng mô hình. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng cơ chế huy động sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nghiệp, bảo đảm để người dân, doanh nghiệp được hưởng đầy đủ các chính sách phát triển sản xuất, nhằm thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.
Nguồn: http://tongcuclamnghiep.gov.vn