Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016
06/07/2016
Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp;Viện Điều tra, Quy hoạch rừng; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Giám đốc các Vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục và toàn thể cán bộ Lãnh đạo, công chức khối văn phòng Tổng cục và Cục Kiểm lâm.
Theo đánh giá tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã tham mưu đồng bộ nhiều chủ trương, chính sách ngành để tập trung thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng bền vững, thực hiện lộ trình tái cơ cấu ngành, đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch và quản lý rừng bền vững, kiện toàn cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực toàn ngành.
Tái cơ cấu đã có những kết quả rõ nét trên thực tiễn, chỉ tiêu ngành vẫn duy trì ở mức cao: giá trị tăng thêm của ngành lâm nghiệp trong Quý I/2016 là 6,24% trong bối toàn ngành nông nghiệp giảm 2,69%. Tổng giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 3325,8 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm 2015, trong đó, tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3167 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Nhiều địa phương đã tích cực, chủ động triển khai kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, đặc biệt là công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung tăng 22% so với cùng kỳ 2015, đạt 8,3 triệu m3 góp phần cung cấp nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu.
Cả nước đã chuẩn bị được gần 271 triệu cây giống các loại; trồng rừng tập trung 73.002 ha; trồng 14,9 triệu cây phân tán; chăm sóc 266.630 ha rừng trồng; khoán bảo vệ 4.157,4 ha rừng; khoanh nuôi tái sinh: 274.774 ha.
Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, công tác bảo vệ rừng có nhiều khó khăn, số vụ cháy rừng trong 6 tháng đầu năm 2016 cao hơn so với cùng kỳ 2015, công tác bảo vệ rừng chưa được bền vững. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lấm sản trái pháp luật còn xảy ra, đặc biệt là tại vùng giáp ranh, các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và tại một số vùng trọng điểm như: Mường Nhé - Điện Biên, các tỉnh Tây Nguyên. Việc xử lý các vị phạm pháp luật về bảo vệ rừng, quản lý lâm sản ở một số địa phương thiếu cương quyết, tình trạng chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng cả số vụ và mức độ nghiêm trọng.
Trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục sẽ tập trung đôn đốc hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt là huy động các nguồn vốn để trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng thay thế; thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Tổng cục; tập trung sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên, Mường Nhé - Điện Biên; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất lâm nghiệp như giải quyết vấn đề ngân sách cho bảo vệ rừng; thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020./.
Nguồn: http://tongcuclamnghiep.gov.vn