Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Lào Cai có ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lào Cai cùng đại diện một số đơn vị của tỉnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch, Sở Tài nguyên và môi trường, Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, trong thời gian qua công tác bảo vệ và phát triển rừng của Tỉnh đã đạt được một số kết quả: diện tích, chất lượng và tỷ lệ che phủ rừng tăng hàng năm, từ 18,1% năm 1991 đã tăng lên 53,3% vào năm 2015. Tỉnh đã thực hiện quản lý, quy hoạch ổn định diện tích 3 loại rừng với 417.000 ha. Trồng mới khoảng 10.000 ha rừng mỗi năm. Diện tích trồng rừng thâm canh đạt 62,2%, năng suất rừng trồng đạt 15,2m3 /ha, khai thác, tiêu thụ gỗ rừng trồng đạt khoảng 60.000 m3 giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đạt 15,2 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Những kết quả trên đã góp phần tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt với 339.225 ha rừng được bảo vệ tốt. Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” gắn với “đồng bộ, ráo riết, quyết liệt, cụ thể, hiệu quả”. Do vậy, mặc dù nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao và chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa tuyết đầu năm 2016 nhưng toàn tỉnh chỉ xảy ra 21 vụ cháy rừng làm thiệt hại 52,72 ha.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã gieo ươm 25,1 triệu cây giống, trồng rừng mới hơn 5,4 nghìn ha, đạt 76,2% kế hoạch năm.
Đặc biệt, tỉnh Lào Cai có nguồn thu tăng mạnh hàng năm từ dịch vụ môi trường rừng. Năm 2012 thu đạt 6,4 tỷ đồng, năm 2014 đạt 26,7 tỷ đồng và 10 tháng đầu năm 2016 đã đạt 42 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả, báo cáo cũng chỉ rõ ngành lâm nghiệp Lào Cai vẫn đối diện với các khó khăn, tồn tại do đời sống người dân còn phụ thuộc vào rừng, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng của một số người dân chưa cao; năng lực, trách nhiệm của một số chính quyền cơ sở còn hạn chế; nguồn kinh phí bảo vệ và phát triển rừng thấp,…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hà Công Tuấn vui mừng với những bước phát triển của Tỉnh, đặc biệt là việc triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm. Thứ trưởng cũng đề nghị Tỉnh tiếp tục tập trung phát triển lâm nghiệp mà trọng tâm là tái cơ cấu để đạt mục đích tăng thu nhập cho bà con nhân dân, phát triển bền vững, ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu.