Nhiều năm nay, hơn 3.697 ha rừng trên địa bàn được UBND xã Hà Tây (huyện Chư Pah, Gia Lai) hợp đồng giao khoán cho 3 cộng đồng làng và 2 nhóm hộ tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ vậy, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số nơi đây có thêm nguồn thu nhập đáng kể, diện tích rừng mà người dân nhận khoán cũng luôn được bảo vệ nghiêm ngặt.
Cộng đồng giữ rừng
Diện tích rộng, địa hình nhiều đồi dốc nên việc tuần tra, kiểm soát rừng nhận khoán của người dân ở Hà Tây vô cùng khó khăn. Họ chỉ có cách duy nhất là đi bộ, len lỏi dưới tán rừng rậm rạp nhiều gai nhọn và những dốc núi dựng đứng để kiểm tra từng tiểu khu, từng khoảnh rừng xem có bị xâm hại không. Mỗi chuyến đi của người dân thường kéo dài từ 2 đến 3 ngày nên họ phải mang theo đủ thứ, nào là muối, mì tôm, cá khô… để qua đêm trong rừng.
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân xã Hà Tây tham gia bảo vệ rừng - Nguồn ảnh: Minh Nguyễn
Theo anh Yaoh (làng Kon Chang), nhóm anh luôn có bảng phân công cụ thể cho từng người, ai đi tuần tra rừng thì mới được chấm công. Mỗi tháng, anh tham gia tuần tra bảo vệ rừng 3-4 lần, mỗi lần được hỗ trợ 200.000 đồng cộng với tiền xăng xe. Hết tổ của anh sẽ đến các tổ khác, làng khác thay phiên vào rừng kiểm tra xem có ai phá rừng làm nương rẫy, xâm hại đến rừng trong diện tích mà làng đã nhận khoán. “Nhiều khi nghe thông tin có kẻ xấu rình rập, lén lút xâm hại đến rừng, tất cả các nhóm tổ đều được huy động tham gia ngày đêm canh gác, bảo vệ”-anh Yaoh nói.
Anh Yaoh cho rằng: Việc giữ rừng giống như giữ nhà nên người dân ở đây ai cũng tự bảo nhau không được phá rừng làm nương rẫy, không để người lạ vào rừng. Nếu ai xâm phạm vào khu vực rừng nhận khoán, người dân sẽ nhanh chóng thông báo để chính quyền xã can thiệp, xử lý kịp thời. Chính vì vậy, trong thời gian qua, diện tích rừng được các cộng đồng làng, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ không bị tàn phá, những cánh rừng bạt ngàn luôn một màu xanh tốt.
Ông Sôn-già làng Kon Sơ Lăl, cho biết: Sau khi nhận khoán bảo vệ rừng với UBND xã, ông đã tổ chức họp làng thông báo rừng này nay đã là của làng nên từ nay mọi người trong làng không được phá rừng làm rẫy như trước đây nữa. Đồng thời, 78 hộ với hơn 200 khẩu trong làng được chia thành nhiều tổ thay phiên nhau đi tuần tra kiểm soát, ai cũng có nhiệm vụ tham gia bảo vệ rừng. Trong khi đó, anh Hvưng (làng Kon Chang) nhìn nhận, từ khi làng nhận giao khoán rừng, dân làng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng nên ai cũng vui mừng mặc dù biết rằng diện tích đất mà lâu nay bà con hay phát rừng làm rẫy sẽ giảm đi vì từ nay không còn ai dám xâm phạm đến rừng.
Cải thiện thu nhập từ rừng
Trao đổi với phóng viên về việc giao khoán rừng cho người dân quản lý và bảo vệ, ông Thaoh - Chủ tịch UBND xã Hà Tây, cho biết: Gần 3.700 ha rừng trên địa bàn được xã hợp đồng giao khoán cho cộng đồng làng Kon Chang, Kon Hơ Nglẽh, Kon Sơ Lăl và 2 nhóm hộ quản lý, bảo vệ rừng. Hàng tuần, hàng tháng, xã đều cử lực lượng phối hợp với nhóm, tổ của các làng tổ chức tuần tra kiểm soát diện tích rừng nói trên. “Được hỗ trợ tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân nơi đây tự nhắc nhở nhau bảo vệ diện tích rừng đã nhận khoán. Đồng thời, tự giác tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép…”-ông Thaoh khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thưởng - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Đợt này, Quỹ phối hợp với UBND xã Hà Tây tổ chức chi trả hơn 145 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng tháng 5 và 6-2017 cho 251 hộ thuộc 2 nhóm hộ và 3 cộng đồng dân cư nhận khoán giữ rừng. Theo đó, tùy vào diện tích và số hộ tham gia nhận khoán, trung bình mỗi hộ nhận được từ 466 ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng. Năm 2016, thu nhập bình quân 1 hộ người dân tộc thiểu số được xã thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng khoảng 4,7 triệu đồng.
“Chúng tôi mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số cùng chính quyền xã tăng cường công tác bảo vệ rừng, không để rừng bị chặt phá. Khoản tiền nhận được từ việc tham gia bảo vệ rừng không nhiều nhưng phần nào cũng giúp họ cải thiện cuộc sống gia đình” - ông Thưởng khẳng định.
Do vậy, ngoài nhiệm vụ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng kịp thời cho xã để phát tận tay người dân, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh còn tổ chức đợt tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nội dung chính là tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chính sách này đối với người tham gia bảo vệ rừng; công tác triển khai chính sách của xã; trách nhiệm và quyền lợi của người tham gia hợp đồng bảo vệ rừng cung ứng; ghi nhận và giải thích một số vướng mắc của người dân địa phương trong quá trình thực hiện. “Một khi người dân hiểu được điều này thì rừng sẽ luôn luôn được bảo vệ” - ông Thưởng tin tưởng.