Năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp và sự hỗ trợ của dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD), Ban quản lý Quỹ Bảo vệ phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), đơn vị tư vấn xây dựng và trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quy định thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước.
Ngày 09/6/2017, Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 1721/QĐ-UBND ngày 26/5/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Hội đồng quản lý, Ban quản lý, Ban kiểm soát Quỹ và đại diện các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia thực hiện thí điểm.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 7, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, các cơ sở sản xuất công nghiệp (SXCN) có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất. Tại Quyết định số 1721/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, có trên 20 doanh nghiệp tham gia thực hiện thí điểm, bao gồm các cơ sở sản xuất bột giấy, rượu bia, chế biến nông lâm sản, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất mía đường...Mức chi trả được xác định là 50 đồng/m3 nước thô, khối lượng nước thô để tính tiền chi trả DVMTR là khối lượng nước mà các cơ sở SXCN sử dụng thực tế tính theo đồng hồ đo nước, theo lượng nước được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc theo chứng từ bán nước thô giữa cơ sở SXCN với đơn vị bán nước thô. Hình thức chi trả DVMTR được áp dụng là hình thức chi trả gián tiếp thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh, số tiền ủy thác chi trả được đưa vào kế hoạch thu, chi tiền DVMTR hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ, thống nhất cao với các quy định thực hiện thí điểm, sẵn sàng phối hợp với Cơ quan quản lý Quỹ trong quá trình thực hiện. Ngay tại Hội nghị, trước sự chứng kiến của Hội đồng quản lý Quỹ, đại diện 3 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất khác nhau đã ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh. Dự kiến ngay trong tháng 6/2017, Cơ quan quản lý Quỹ sẽ hoàn thành việc ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp còn lại và với các hợp đồng này, nguồn thu tiền DVMTR từ các doanh nghiệp thực hiện thí điểm sẽ đóng góp thêm tiền ủy thác chi trả DVMTR về cho Quỹ số tiền trên 800 triệu đồng/ năm.
Phát biểu tổng kết hội nghị, đồng chí Lê Như Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đánh giá cao sự tham gia tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm của các doanh nghiệp. Đồng chí mong muốn rằng, sau khi kết thúc việc thực hiện thí điểm, các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng với Quỹ để thực hiện thành công chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí giao nhiệm vụ cho Cơ quan quản lý Quỹ tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp còn lại và tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội đồng quản lý Quỹ theo dõi, đánh giá, tổng kết và báo cáo thường xuyên, kịp thời về UBND tỉnh, Tổng cục Lâm nghiệp và Bộ Nông nghiệp và PTNT để phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc./.